Tiềm năng trong công nghệ xử lý và tái chế nhựa

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Tiềm năng trong công nghệ xử lý và tái chế nhựa
24/05/2020 - 01:05:01 PM | 5002
Rác thải nhựa là một trong những vấn đề đau đầu của nhiều nhà lãnh đạo do việc xử lý vô cùng khó khăn và kéo dài. Dưới đây là một số định hướng sẽ phát triển trong tương lai.

Công ty Tenjin của Nhật Bản bằng phương pháp phân hủy chất thải nhựa PET (dùng làm chai nhựa), sau đó, chuyển đổi thành nguyên liệu cho sản xuất vải và màng mỏng, đang vận hành thương mại một cơ sở có công suất xử lý khoảng 62.000 tấn/năm từ năm 2003. Tại Anh, lần đầu tiên sản phẩm khăn tắm được làm từ nhựa tái chế có khả năng thấm hút tốt và khô rất nhanh được John Lewis - một thương hiệu bán lẻ - đưa ra công chúng sau gần hai năm nghiên cứu và thử nghiệm.

Các nhà hóa học tại Đại học Purdue tìm ra một phương án xử lý nhựa mới để biến polyolefin - thứ nhựa thường thấy trong đồ chơi, đồ điện tử và nhiều bao bì đựng hàng hóa khác - thành nhiên liệu. Công nghệ mới này có tốc độ nhanh và tỷ lệ chuyển hóa cao hơn so với những cách trước đây, có thể chuyển hóa 90% lượng nhựa thải polyolefin thành sản phẩm có ích.

Các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng công nghệ nhiệt phân trong môi trường yếm khí cho phép biến rác nhựa thành xăng, dầu và than bán cốc. Trong quá trình ngưng tụ, khí không xử lý hết được dẫn ra ngoài và quay vòng trở lại để làm nhiên liệu đốt mà không phải dùng điện hay các nguồn năng lượng khác và không thải ra môi trường bất kỳ chất độc hại nào.

Các nhà nghiên cứu của Anh và Mỹ đã khám phá ra cấu trúc của một enzym tự nhiên làm tác nhân phân huỷ nhựa PE, PP…. mở ra cơ hội tái chế hàng triệu tấn nhựa, hiện đã và đang tồn tại hàng trăm năm trong môi trường. Một công ty ở Áo cũng đã phát triển công nghệ sử dụng enzim để tái chế nhựa PET, chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao. 

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc đã phát minh một kỹ thuật phân hủy nhựa với chất xúc tác là hợp chất hữu cơ kim loại tiêu tốn ít nhiệt để tạo ra một loại nhiên liệu diesel. Nhược điểm hiện tại của kỹ thuật này là phản ứng hóa học diễn ra chậm (4 ngày) và đòi hỏi chất xúc tác đắt tiền.

Không chỉ ở Hà Lan xuất hiện đường, công viên và khu rừng nổi làm từ nhựa tái chế, ở Anh, một kỹ sư đã tái chế nhựa thành chất liệu ký hiệu là MR6 để làm đường, có chất lượng tốt hơn 60% và tuổi thọ kéo dài hơn 10 lần so với những tuyến đường nhựa thường. Các con đường được xây dựng bằng MR6 ít bị nứt hơn, giúp duy trì độ bền của lốp xe và tiết kiệm nhiên liệu.

Các nhà khoa học Mỹ nhận thấy, sâu bột - ấu trùng của bọ cánh cứng Tenebrio molitor có thể sống bằng cách ăn xốp cách nhiệt và một số loại nhựa khác, biến đổi nhựa thành CO2, sinh khối và chất thải có thể bị phân hủy bởi vi khuẩn để làm phân bón cho cây. Họ dự định khảo sát những vi sinh vật sống trong ruột sâu có thể phá vỡ cấu trúc của nhựa dùng để chế tạo linh kiện ôtô, vải dệt và vi hạt nhựa hay không.

Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa đang được tái chế; riêng ở Mỹ tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ đạt khoảng 30%, ở Anh từ 20 đến 45%. Na Uy hiện là quốc gia đi đầu thế giới trong phong trào tái chế chai nhựa, đạt tới 97%. 92% trong số đó quay trở lại thành nhựa chất lượng cao, có thể tiếp tục đựng nước uống với vòng đời có thể lên tới 50 lần tái chế.

Nhiều nước trên thế giới đã đạt được một số thành tựu trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng thành công vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa. Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn có ý nghĩa về môi trường - phát triển bền vững - mục tiêu mà mọi quốc gia đều mong muốn vươn đến

 

(Theo VOV.VN)