Tại hội thảo trực tuyến "Tái sử dụng và Kinh tế tuần hoàn" do Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) tổ chức chiều 6/7, TS Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường thuộc Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường nhận định, tái sử dụng là ưu tiên trong kinh tế tuần hoàn. Ông cho biết, tái sử dụng giúp kéo dài thời gian và chu trình sử dụng sản phẩm, qua đó giải quyết việc tái chế vật liệu, đồng thời giảm chất thải phát sinh.
Dẫn ví dụ với kinh doanh điện thoại, ông Mạnh cho rằng có thể tái thiết kế sản phẩm chuỗi cung ứng bằng cách tận dụng thành phần linh kiện của sản phẩm thải bỏ, đồng thời tái chế chất thải rắn nhằm thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm chất thải, chất ô nhiễm. TS Mạnh đánh giá, thương mại điện tử như Internet vạn vật (IoT) đang thúc đẩy việc mua sắm sản phẩm cũ. Hiện nay khu vực ASEAN đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn và dịch vụ tuần hoàn đối với các sản phẩm cũ. Bởi vậy ông cho rằng, ngay từ giai đoạn thiết kế các doanh nghiệp cần xác định về việc sử dụng vòng đời hàng hóa để thúc đẩy tái sử dụng.
Đồng tình việc tái sử dụng là phương án khả thi, bà Nguyễn Thị Hoàng My, PGĐ công ty Vietcycle Corp, đưa ra mô hình tái sử dụng làm đầy CyclePacking (máy bán dung dịch tự động) để giảm rác thải bao bì. Hệ thống máy hiện được lắp đặt tại các trung tâm thương mại, chung cư tại nhiều quận ở Hà Nội. Người dân sẽ mang can đựng sử dụng lại đến hệ thống để làm đầy và quét mã QR thanh toán. Còn bà Quách Thị Xuân, điều phối viên Liên Minh Không rác Việt Nam, gợi ý về mô hình ly tái sử dụng (Ly Muuse) tại Singapore có thể áp dụng đối với Việt Nam. Ở đó, khách hàng mua cafe bằng ly của công ty, quét mã QR của ly bằng phần mềm Muuse để thanh toán và sau đó trả lại ly tại các điểm thu gom. Những chiếc ly được nhân viên khử trùng và tiếp tục quay trở lại phục vụ khách hàng. "Mô hình này có thể áp dụng tại các điểm du lịch tại Việt Nam và hoàn toàn khả quan", bà nói. Theo bà Xuân, việc tái sử dụng đơn thuần như dùng túi tái chế, túi sử dụng nhiều lần, bình cá nhân cũng giúp giảm rác thải nhựa hiệu quả. Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Vietcycle Corp, kiêm Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), cho rằng, để thúc đẩy mô hình tái chế trước hết phải nâng cao nhận thức người tiêu dùng về việc tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Tại châu Âu, người dân có xu hướng ưu tiên sản phẩm có hàm lượng tái chế cao như túi đựng rác phải có 70% thành phần có thể tái chế được. Trong khi tại Việt Nam, bao bì mềm đựng rửa chén, nước giặt lại được chuộng thay vì dùng can cứng. "Cứ 1 kg nguyên sinh tương đương 6 kg phát thải carbon. Bởi vậy nếu giảm được càng nhiều lượng rác thải bao bì sẽ giúp cải thiện lượng phát thải rất lớn", ông nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc tái sử dụng, định danh cụ thể với từng loại sản phẩm để người tiêu dùng có thể tiếp cận và hiểu rõ việc tái sử dụng. Bên cạnh đó, khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại thu gom, vận chuyển tái chế và xử lý chất thải rắn. Liên minh Không rác Việt Nam cũng đưa ra chiến dịch "Bring me to a new home instead" (Hãy mang tôi tới một ngôi nhà mới) nhằm kết nối người có đồ không sử dụng tới người cần dùng món đồ đó để hạn chế thải rác ra môi trường.
(Theo www.vpas.vn)
- TÁI DƯƠNG TÍNH COVID 19 LÀ GÌ?(23/08/2020)
- BIDV hạ lãi xuất vay hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch(06/09/2020)
- Dùng xỉ thép để xử lý photpho trong nước thải(20/09/2020)
- Gỗ trong suốt: vật liệu cũ nhưng diện mạo mới(04/10/2020)
- 10 loại vật liệu cứng nhất hiện nay(11/10/2020)
- Những phát minh làm thay đổi cuộc sống(24/10/2020)
- Những vật liệu có thể làm thay đổi thế giới (01/11/2020)
- Những vật liệu khiến chúng ta tưởng như là phép thuật(15/11/2020)
- Siêu enzyme giúp phân hủy nhựa nhanh gấp 6 lần các loại thông thường(22/11/2020)
- Thêm một phương án tránh rác thải nhựa: Sử dụng hạt bơ làm đồ dùng 1 lần(13/12/2020)
- Công dung không ngờ của miến da trên balo(10/01/2021)
- Có vật liệu tự nhiên nào cứng hơn kim cương?(17/01/2021)