Thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa
02/05/2024 - 09:05:26 AM | 1061
Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo tăng cường quản lý, phân loại, thu gom, xử lý chất thải nhựa. Địa phương đang “nói không với rác thải nhựa”, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Hơn 1.000 tấn rác thải mỗi ngày

Hiện nay, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng trên 1.000 tấn, trong đó tỷ lệ thu gom khoảng 50%, toàn tỉnh có 22 điểm tập trung xử lý rác, sử dụng công nghệ chôn lấp lộ thiên, chôn lấp hợp vệ sinh và sản xuất phân hữu cơ. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ có khu xử lý rác tập trung với công nghệ đốt phát điện, dự kiến thu gom 915 tấn/ngày.

Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.000 tấn rác thải, nhưng thu gom chỉ đạt khoảng 50%. (Ảnh CTV)

Điển hình như Khu xử lý rác thải Trường Xuân, huyện Tháp Mười có tổng diện tích 4,96 ha, mỗi ngày địa phương thu gom được 40 tấn rác thải. Trong đó, phần chôn lấp hiện hữu có diện tích là 2,46 ha được đưa vào sử dụng từ năm 2004, tiếp nhận rác thải trên địa bàn huyện khá lớn, hiện tại lượng rác tồn đọng ước tính khoảng 51.000 tấn. Đến năm 2018 thì tạm ngưng tiếp nhận rác thải, lượng chất thải rắn sinh hoạt được chuyển về Khu xử lý rác thải Đập Đá (huyện Cao Lãnh) để xử lý.

Tuy nhiên, Khu xử lý rác thải Đập Đá lại tiếp tục quá tải, nên rác được đưa về Khu xử lý rác thải Trường Xuân để tiếp tục xử lý, địa phương đang đề xuất đầu tư khu vực xử lý rác thải với diện tích 1,3 ha, ước khả năng tiếp nhận khoảng hơn 23.000 tấn rác thải.

Trước tình trạng rác quá tải, UBND tỉnh Đồng Tháp đã triển khai kế hoạch tăng cường quản lý, phân loại, thu gom và xử lý chất thải nhựa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa

Theo đó, đến năm 2025: 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở không sử dụng chai nhựa dùng một lần và có biện pháp hạn chế hữu hiệu việc sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường tại đơn vị. 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Sử dụng 100% túi ni-lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Các khu đô thị trên địa bàn tỉnh triển khai việc phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa tại nguồn theo phương châm: Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế. 90% người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên các cấp học trên địa bàn được cung cấp kiến thức, thông tin thiết yếu về chất thải nhựa và biện pháp giảm thiểu, hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, nhựa sử dụng một lần.

Giảm dần mức sản xuất, sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% việc tiêu thụ, sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Định hướng đến 2030: Các tổ chức, cá nhân đều có ý thức và trách nhiệm trong công tác hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định.

Mạnh tay xử lý rác thải nhựa

Ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương tiếp tục hưởng ứng phong trào giảm thiểu chất thải nhựa; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên các cấp tích cực tham gia các giải pháp hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải rắn, chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch,... hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường các khu dân cư, chợ, đường phố, khu vực công cộng.

Thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; tổ chức và thực hiện các biện pháp thu gom chất thải nhựa trên các sông, ao, hồ, rạch, kênh, mương,... trong khu đô thị, khu dân cư và các khu vực công cộng khác; thường xuyên tuyên truyền và tổ chức ra quân vệ sinh, khơi thông dòng chảy các tuyến sông, kênh, rạch tại khu đô thị, khu dân cư và các khu vực công cộng khác.

Nguồn: Hiệp hội Nhựa Việt Nam