Có một thực tế sẽ làm ngạc nhiên không ít người, đó là bia thực ra vẫn được đóng trong chai nhựa ở một số quốc gia, ví dụ như Anh. Ở đây, chai bia bằng nhựa thường được thấy ở các dịp lễ hội hay sự kiện. Như tại Olympic London 2012, nhà tài trợ đồ uống lớn nhất là Heineken đã sản xuất khoảng một triệu chai bia nhựa chỉ để dành riêng cho dịp này. Mặc dù hãng giải thích rằng việc làm này là vì môi trường, nhưng có thể thấy mục đích chính là vì lý do an toàn. Ở những sự kiện mà có tới hàng nghìn người từ các nền văn hóa khác nhau tham dự, thì hơi men cùng với những cuộc thi đấu có thể sẽ trở nên nguy hiểm khi đi kèm với những mảnh thủy tinh.
Vậy thì tại sao loại chai bia này lại không được sử dụng rộng rãi? Một trong những câu trả lời thích đáng nhất có lẽ là nhựa làm ảnh hưởng đến mùi vị của bia. Nhựa là loại chất liệu xốp hơn thủy tinh, nên khiến cho bia dễ bị "nhạt" hơn khi đựng trong chai nhựa thay vì chai thủy tinh vì khí ga trong đồ uống sẽ dễ bị bay hơi hơn.
Một ưu điểm khác của thủy tinh là nó gần như không ảnh hưởng đến mùi vị bởi sự trơ về mặt hóa học (không gây ra phản ứng hóa học với chất đựng bên trong). Ngược lại, nhựa có chứa rất nhiều hóa chất có thể hòa tan vào bia và làm ảnh hưởng đến mùi vị, thậm chí chất lượng của đồ uống. Ví dụ, loại nhựa thường được dùng để làm chai đựng đồ uống có cồn loại nhẹ, Polyethylene Terephthalate (PET), sẽ tạo ra một nguyên tố độc hại có tên Antimon (ký hiệu là Sb) hòa vào đồ uống. Khi được bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc thấp hơn, lượng antimon tỏa ra từ những chai nhựa này là không đáng kể. Nhưng nồng độ antimon sẽ tăng tỷ lệ thuận với nhiệt độ, do đó nếu được cất ở trong kho qua một vài tháng hè, lượng antimon trong đồ uống có thể tăng đến mức có hại cho sức khỏe – theo Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ.
Xét đến nhôm, cũng giống như thủy tinh, đây là một vật liệu chống thấm hoàn toàn, nên cũng lý tưởng để dùng cất trữ bia. Nhưng không giống như nhựa, mặt trong của các lon bằng nhôm được tráng một lớp polyme đặc biệt có tác dụng ngăn nhôm rò rỉ vào đồ uống, do đó chúng an toàn hơn rất nhiều. Thêm nữa, không giống hai loại chất liệu ở trên, nhôm hoàn toàn ngăn được ánh sáng, giúp cho đồ uống trong lon nhôm được bảo quản tốt hơn những loại chai đựng khác.
Thực tế, các loại chai thủy tinh màu cũng đã được dùng để trữ bia vì chúng có thể ngăn được ánh sáng. Nhưng rất khó để có thể làm điều tương tự với nhựa, vì những hóa chất thêm vào để giúp ngăn ánh sáng sẽ khiến cho vật liệu này khó tái chế hơn các loại nhựa bình thường.
Một vấn đề khác của chai nhựa là chúng không thể chịu được quá trình khử trùng mà hầu hết các loại bia đều phải đi qua. Sau khi được ủ và đóng chai, bia thường sẽ phải được đưa qua một chiếc máy phun nước sôi để tiêu diệt những vi khuẩn vẫn còn sống sau quá trình lên men. Quá trình này vừa để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tăng thời hạn sử dụng của bia. Và trong khi chai thủy tinh hay lon nhôm có thể dễ dàng chịu đựng quy trình này, thì nhựa lại không. Điều đó có nghĩa hoặc là ta phải bỏ qua công đoạn khử trùng, hoặc phải chọn một loại nhựa bền hơn, đồng nghĩa với chi phí cũng sẽ cao hơn.
Có thể hiện vẫn có những hãng bia ở đâu đó đang tìm cách đưa chai bia nhựa vào sử dụng rộng rãi, đồng thời cố gắng thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen của mình (một nhiệm vụ gần như bất khả thi). Nhưng ít nhất trong tương lai gần, chai thủy tinh và lon nhôm vẫn sẽ thống trị ngành sản xuất bia trên toàn thế giới.
Vì sao vỏ chai bia thường có màu xanh hoặc nâu?
Màu của vỏ chai bia thủy tinh thường có màu xanh hoặc màu nâu bất kể là thương hiệu gì, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm ra câu trả lời cho điều này.
Các chai bia trong suốt để ngoài nắng thường xuyên gây biến đổi vị bia như mùi mốc và hôi, bởi vì các tia UV từ ánh sáng mặt trời dễ dàng đi qua lớp vỏ chai bia phản ứng với các phân tử lưu huỳnh có trong bia, tạo mùi vị lạ và khó uống như bia bị hỏng để lâu ngày.
Do đó, để khắc phục tình trạng đó, các nhà sản xuất đã tạo các chai bia có màu nâu và xanh lá, do hai màu này ngăn cản sự hấp thụ các tia UV tốt nhất, giúp ngăn bia không bị biến chất, mất hương vị.
Sau đó, nhu cầu cũng như chi phí sản xuất vỏ chai màu nâu tăng quá cao, điều này khiến nhiều nhà sản xuất quyết định quay về sử dụng vỏ chai màu xanh đậm. Về sau, màu xanh và nâu gắn liền với màu sắc của chai bia đến tận bây giờ.
(Theo Khoahoc.tv)