Tác động tiềm ẩn của hạt vi nhựa đối với bệnh viêm ruột

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Tác động tiềm ẩn của hạt vi nhựa đối với bệnh viêm ruột
19/12/2023 - 08:12:31 AM | 1431
(TN&MT) - Một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường của Hiệp hội Hóa học Mỹ cho biết, những người bị bệnh viêm ruột (IBD) có thành phần hạt vi nhựa chiếm hơn 50% trong phân của họ.

Nghiên cứu vừa được công bố là nghiên cứu đầu tiên điều tra các vấn đề về đường ruột ở người có khả năng gây ra do ăn phải hạt vi nhựa

Đây là nghiên cứu đầu tiên điều tra các vấn đề về đường ruột ở người có khả năng gây ra do ăn phải hạt vi nhựa

Hạt vi nhựa là những hạt nhựa nhân tạo, có kích thước nhỏ hơn 1mm. Các hạt nhựa được tạo ra từ các nhựa hóa dầu polystyrene, polypropylene hoặc polyetylen. Theo một nghiên cứu trước đây, hạt vi nhựa có thể gây viêm ruột và các vấn đề đường ruột khác ở động vật thí nghiệm, nhưng nghiên cứu lần này là nghiên cứu đầu tiên điều tra các tác động tiềm ẩn của hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người.

Ô nhiễm hạt vi nhựa đã xảy ra trên khắp thế giới, từ đỉnh núi Everest đến các đại dương sâu nhất. Con người đã tiêu thụ các hạt vi nhựa qua thức ăn, nước uống và qua việc hít thở.

Cũng vào tháng 12, một nghiên cứu được công bố trước nghiên cứu mới này cho thấy, hạt vi nhựa làm hỏng các tế bào của con người trong một thí nghiệm. Tuy vậy, hạt vi nhựa mới chỉ được biết đến là mối nguy hại cho động vật hoang dã, rất ít người biết về ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe con người.

Nghiên cứu mới đã phân tích mẫu từ 50 người khỏe mạnh và 52 người bị bệnh viêm ruột. Những người tham gia đến từ Trung Quốc và đã hoàn thành bảng câu hỏi về thói quen ăn uống của họ trong năm 2020.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trung bình 42 hạt vi nhựa trong mỗi gam phân của những người bị bệnh viêm ruột, trong khi chỉ có 28 hạt ở những người khỏe mạnh. Những người bị bệnh viêm ruột nặng cũng có nồng độ hạt vi nhựa cao hơn, điều này chứng minh mối liên hệ giữa hạt vi nhựa và bệnh viêm ruột. Tuy vậy, nghiên cứu không làm rõ mối liên hệ nhân quả và các nhà khoa học cho rằng phải tiến hành thêm các nghiên cứu khác. Chẳng hạn một nghiên cứu cho thấy bệnh viêm ruột khiến người mắc bệnh giữ lại nhiều hạt vi nhựa hơn trong ruột.

Tương tự mối liên hệ với bệnh viêm ruột, các nhà khoa học phát hiện, những người có xu hướng uống nước đóng chai hoặc ăn thức ăn nhanh có nồng độ hạt vi nhựa trong phân cao gấp đôi. Nghiên cứu tìm thấy tất cả 15 loại nhựa khác nhau trong số các hạt vi nhựa, trong đó, phổ biến nhất là PET, được sử dụng trên chai nước, hộp đựng thực phẩm và bao bì thực phẩm.

Mức độ hạt vi nhựa trong phân tương tự một vài nghiên cứu trước đây. Một nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh có nhiều hạt vi nhựa hơn người lớn trong phân của chúng. Nguyên nhân được cho là do trẻ sơ sinh nhai các vật dụng bằng nhựa hoặc sử dụng bình sữa bằng nhựa chứa hàng triệu hạt vi nhựa.

Chế độ ăn uống và các yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm ruột và viêm loét đại tràng. Các nhà nghiên cứu của Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột đã tăng mạnh ở các nước phát triển của châu Á. Ước tính vào năm 2025, sẽ có 1,5 triệu bệnh nhân mắc viêm ruột ở Trung Quốc, dẫn đến gánh nặng bệnh tật đối với quốc gia này.

Evangelos Danopoulos đến từ Trường Y Hull York (Anh), không tham gia nhóm nghiên cứu nhận định, nghiên cứu này là bằng chứng cho thấy chúng ta thực sự đang ăn hạt vi nhựa. Nghiên cứu rất quan trọng vì nó làm tăng bằng chứng về sự phơi nhiễm của con người. Tuy vậy, cần có thêm dữ liệu để xây dựng mối liên hệ nhân quả giữa hạt vi nhựa với tình hình sức khỏe cụ thể của con người.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)