Tờ The Washington Post ngày 9.1 dẫn một nghiên cứu mới công bố cho thấy con người nuốt hàng trăm ngàn hạt nhựa siêu nhỏ (nanoplastic) mỗi lần uống một lít nước đóng chai.
Nghiên cứu đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy có khoảng 240.000 hạt nanoplastic trong một lít nước đóng chai, phần lớn có kích thước chưa đến 1 micromet, tương đương chưa đến 1/70 đường kính sợi tóc.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học tìm kiếm vi hạt nhựa (microplastic), là những hạt nhựa có chiều dài từ 1 micromet - 0,5 cm và tìm thấy chúng ở khắp nơi.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia (Mỹ) giờ đây xác định rằng các hạt nanoplastic cũng là mối đe dọa. "Microplastic có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người thì nanoplastic còn nguy hiểm hơn", theo giáo sư hóa học Wei Min tại Đại học Columbia và là thành viên nhóm nghiên cứu.
Các nhà khoa học cũng phát hiện microplastic trong nước máy, nhưng với số lượng ít hơn.
Giáo sư Sherri Mason, giám đốc về sự bền vững tại Đại học bang Pennsylvania ở Erie (Mỹ) nói rằng vật liệu nhựa có phần giống với da, khi có thể bong ra từng mảng và hòa vào nước, thức ăn hoặc bất kỳ chất nào chúng chạm vào.
"Tại thời điểm này, chúng ta biết rằng da của mình liên tục bong ra. Và đây là điều xảy ra đối với những món đồ nhựa, chúng liên tục bong ra", theo giáo sư Mason.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết mức độ nguy hiểm của những hạt nhựa đối với sức khỏe con người. Trong một báo cáo công bố vào năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chưa có đủ bằng chứng chắc chắn về mối liên hệ giữa những hạt microplastic trong nước với sức khỏe con người, nhưng cho rằng cần cấp thiết nghiên cứu thêm.
Về lý thuyết, nanoplastic có kích thước có thể đi vào máu, gan và não của con người. Và nanoplastic có thể xuất hiện với số lượng lớn hơn nhiều so với microplastic. Trong nghiên cứu mới, 90% hạt nhựa được tìm thấy trong mẫu là nanoplastic và chỉ 10% là microplastic.
Nguồn: Theo báo thanhnien.vn
- Nỗ lực giảm rác thải nhựa ở Việt Nam: Từ hành động nhỏ đến thay đổi lớn(26/12/2023)
- Không để Hiệp ước toàn cầu về nhựa đi vào bế tắc(26/12/2023)
- Thụy Điển mở nhà máy hiện đại để tăng gấp đôi lượng nhựa tái chế(04/01/2024)
- Tại sao bia ít được đóng trong chai nhựa?(04/01/2024)
- Pháp cấm bao bì nhựa cho sản phẩm tươi sống vào năm 2024(10/01/2024)
- Vì sao chai nhựa luôn có phần đáy không bằng phẳng?(10/01/2024)
- Chủ động vào cuộc tái chế sản phẩm, bao bì(17/01/2024)
- Thành công từ công nghệ tái chế rác thải nhựa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội(17/01/2024)
- Ngành công nghiệp ô tô đang ứng dụng tái chế như thế nào!(24/01/2024)
- Bao bì nhựa PE - Giải pháp bền vững cho môi trường(22/02/2024)
- Nhựa PE có độc hại không? Ứng dụng của nhựa PE trong đời sống(26/02/2024)
- Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam thông qua dữ liệu số(26/02/2024)