Lối ra cho rác thải nhựa

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Lối ra cho rác thải nhựa
07/08/2022 - 11:08:09 AM | 2443
Ngành tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam cần một cú hích lớn để tạo thay đổi thực sự.

Bao bọc trong 4 bức tường của một trường dạy nghề tại Trà Vinh là 6.000 chai được nhồi đầy bao bì nhựa, ống hút, túi, bao bì thực phẩm. Những chai lọ chứa đầy rác này được bọc xi măng kết dính, thay thế cho các viên gạch đất sét ở ngôi trường gạch sinh thái đầu tiên của Việt Nam, vừa khai trương cuối năm 2021. Đây chỉ là một trong nhiều sáng kiến của các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị cấp cơ sở, doanh nghiệp nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa tại một trong các quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

 

Lượng tiêu thụ nhựa hằng năm tại Việt Nam đã tăng từ mức 3,8 kg/người vào năm 1990 lên hơn 41 kg vào năm 2018, một mức tăng mà ông Phạm Mạnh Hoài, Giám đốc Chương trình Đối tác và Chính sách nhựa thuộc WWF Việt Nam, gọi là “đáng kinh ngạc”. “Các thành phố sẽ tiếp tục chứng kiến tốc độ đô thị hóa nhanh và tăng trưởng kinh tế cao, kéo theo đó là lượng tiêu thụ và sản xuất nhựa cũng tăng mạnh. Điều này tạo áp lực vô cùng lớn lên hệ thống quản lý nước địa phương và dẫn đến mức độ rò rỉ nhựa cao đáng lo ngại ở quốc gia này”, ông nói. Việt Nam thải ra xấp xỉ 3,9 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng chỉ 1/3 trong số này được tái chế. Phần còn lại bị đốt hoặc chôn ở các bãi rác hoặc vứt trực tiếp ra môi trường, nơi chúng có thể bị rò rỉ vào hệ thống đường thủy, cuối cùng đổ ra đại dương. Theo một nghiên cứu vào năm 2020, Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về tỉ trọng “đóng góp” vào lượng rác thải nhựa không được xử lý đúng cách. Thực vậy, những nỗ lực chống ô nhiễm nhựa đang “đuối sức” trước lượng rác thải khổng lồ, đặc biệt khi thiếu một hệ thống chính thức trong việc phân loại và tái chế nhựa. Hiện tại, việc phân loại, thu gom rác thải nhựa có thể tái chế vẫn phải nhờ vào những thành phần thuộc khu vực phi chính thức – đội ngũ nhặt ve chai, ở quy mô tự phát. Theo đó, nhựa được thu gom bởi đội ngũ ve chai sẽ được bán cho các trung tâm xử lý rác. Tại đây, chúng được cắt nhỏ hoặc làm thành viên để bán cho các nhà máy ở Việt Nam và Trung Quốc, nơi chúng được sử dụng để sản xuất vải tổng hợp và các sản phẩm nhựa mới.

 

loi-ra-cho-rac-thai-nhua-01

 

Một vấn đề nữa là luật pháp của Việt Nam lâu nay chưa hướng đến cách tiếp cận theo vòng đời đối với nhựa. Bao bì không thuộc danh mục các sản phẩm thải bỏ phải thu hồi mặc dù chúng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng lượng chất lượng chất thải rắn và lượng rò rì. Dù rằng Chính phủ đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, theo đó các thành phố phải có trách nhiệm xử lý và tái chế rác thải, nhưng vẫn chưa rõ các quy định mới sẽ được thực thi như thế nào khi khu vực chính thức hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ để có thể phân loại và xử lý rác thải. “Không có bất cứ giải pháp nào có sẵn để thực sự xử lý loại rác thải này. Người ta chỉ có đem đi đốt hoặc vứt ra môi trường”, Kasia Weina nhận xét. Đó là lý do Kasia WeinaJan Zellmann đã đồng sáng lập ReForm Plastic để tái chế nhựa giá trị thấp thành các tấm ván dùng trong nội thất, thùng rác và các đồ vật khác ở Việt Nam và những nước khác.

 

Trong thời gian chờ Luật Bảo vệ môi trường mới được thực thi và có tác dụng, lượng rác thải nhựa khổng lồ vẫn phải tiếp tục nhờ vào nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, đơn vị cấp cơ sở như dự án xây dựng trường học bằng gạch sinh thái từ rác thải nhựa tại Trà Vinh. Đến nay đã có hơn 1 tấn rác thải nhựa được thu gom từ khắp nơi cho dự án trường học bằng gạch sinh thái. Tan Meftah, nhà sáng lập tổ chức bền vững Wholistik Permaculture, luôn trăn trở về dự án tái chế và nâng cao nhận thức về ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Meftah đã hợp tác với Jimmy Thai của Build A School Foundation, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ đã xây dựng được gần 100 trường học, chủ yếu tại Việt Nam. Jimmy Thai cũng cho biết một thư viện cho các học sinh tiểu học đang được xây dựng tại Huế, được làm từ gạch sinh thái. “Chúng tôi đã thu gom được 3.000 chai nhựa”, ông nói. Việc thu gom rác và sản xuất gạch được tiến hành gần thư viện để giảm khí thải trong quá trình vận chuyển gạch. Theo Meftah, vì rác thải nhựa có mặt ở khắp nơi, gạch sinh thái có nhiều tiềm năng được sử dụng rộng rãi hơn như một loại vật liệu xây dựng miễn phí dùng được cho tất cả các loại kết cấu.

 

Trong khi đó, ReForm Plastic đã thành lập nhà máy đầu tiên sản xuất tấm ván nhựa từ rác thải vào năm 2020 ở Hội An. Với văn phòng đặt ở gần đó – thành phố Đà Nẵng, ReForm đã hợp tác với chính quyền thành phố để thu gom nhựa giá trị thấp và làm việc với các trường học, khách sạn, văn phòng doanh nghiệp, nhà hàng và quán bar để gom rác thải nhựa. Tại nhà máy ở Hội An, lượng rác thải này được làm sạch, sấy khô, cắt thành vụn nhỏ, rồi đưa qua máy ép nén để làm thành các tấm ván. Cuối năm ngoái, ReForm đã mở rộng sản xuất bằng cách hợp tác với công ty xử lý rác thải Thanh Tùng 2 (TT2) ở tỉnh Đồng Nai, vốn nhận xấp xỉ 30 tấn rác thải nhựa công nghiệp mỗi ngày. Rác được cắt vụn, đưa vào máy ép nóng và làm nguội. Thành phẩm được bán với giá cạnh tranh thay thế cho vật liệu từ gỗ.

 

Một nỗ lực khác là dự án LSPP (các giải pháp địa phương cho ô nhiễm nhựa) của USAID. Những tháng đầu năm 2022, USAID đã kết hợp với Hội Phụ nữ thành phố Hội An triển khai thử nghiệm chương trình tái chế tuần hoàn. Theo đó, chương trình sử dụng các thùng thu gom (được làm từ nhựa tái chế) với các ngăn được dán nhãn rõ ràng để người dân phân loại rác ngay tại nguồn. Hội Phụ nữ Hội An sau đó sẽ bán rác nhựa cho các trung tâm tái chế và số tiền kiếm được sẽ dùng để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Vị trí đặt các thùng thu gom sẽ thường xuyên được cập nhật thông qua một ứng dụng di động đang được phát triển nhờ sự hỗ trợ của USAID. Ứng dụng sẽ cho phép mọi người báo cáo những khu vực bị ô nhiễm và các điểm vứt rác nhựa bất hợp pháp. Tuy nhiên, như nhận xét của Jimmy Thai, sáng kiến gạch sinh thái cũng như các nỗ lực khác chỉ như muối bỏ biển. “Tôi nghĩ để tạo nên sự khác biệt là cực kỳ thách thức”, ông nói. Một thách thức là đầu tư hạ tầng tái chế quy mô và bài bản, vốn rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Jan Zellman, dù đặt kỳ vọng vào Luật Bảo vệ môi trường mới, vẫn cho rằng những thay đổi về mặt cơ chế tái chế của Việt Nam sẽ là một quá trình khá chậm vì các thành phố cần phải xây dựng hạ tầng và nâng cao công suất tái chế. “Đó là vấn đề về cơ sở hạ tầng, về quy trình, năng lực, công suất xử lý. Họ không có những thứ đó, nên đây sẽ là một sự chuyển dịch và thay đổi từ từ”, ông nói.

 

(Theo www.vpas.vn)