Kiểm soát chất lượng tái chế nhựa

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Kiểm soát chất lượng tái chế nhựa
16/11/2023 - 08:11:38 AM | 1608
Hoạt động tái chế có thể gây hại cho môi trường, làm tổn thương quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn nếu không kiểm soát được chất lượng.

 


Chai nhựa trong suốt dễ tái chế hơn chai nhựa màu.

Mô hình kinh tế tuần hoàn hoạt động dựa trên nguyên tắc đưa chất thải quay ngược trở lại làm đầu vào cho sản xuất, qua đó giảm thiểu lượng rác thải phát sinh ra môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế tuần hoàn chỉ thực sự đạt hiệu quả nếu sản phẩm tái chế đạt chất lượng tốt, có tính cạnh tranh cao. Đây cũng là cách để đảm bảo chất thải có thể tiếp tục trở thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Ngược lại, sản phẩm tái chế có chất lượng thấp khiến nguyên vật liệu sau khi thu hồi trở nên khó xử lý, tái chế hơn, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Các sản phẩm tái chế có chất lượng thấp là một phần nguyên nhân đánh mất thiện cảm của người tiêu dùng, gây khó khăn cho đầu ra của sản phẩm tái chế.

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều sản phẩm tái chế, đặc biệt là sản phẩm làm từ nhựa, ni lông đang xuất hiện tràn lan trên thị trường. Những sản phẩm này thường được làm thành đồ dùng một lần hoặc các vật dụng hàng ngày như bàn, ghế, xô, chậu…

Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là do các tạp chất bị lẫn vào trong rác thải không được loại bỏ hoàn toàn trong quá trình tái chế. Bên cạnh đó, một số cơ sở tái chế còn cố tình trộn lẫn tạp chất để làm tăng khối lượng, giảm giá thành, tạo ra sản phẩm kém bền và có khả năng gây nguy hại.

Hiện tại, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định công cụ chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế, xử lý hoặc đóng góp vào công tác tái chế, xử lý rác thải phát sinh từ quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) nhận định, để công cụ EPR phát huy được vai trò trong quản lý chất thải rắn, bên cạnh việc đặt ra tỷ lệ tái chế bắt buộc, việc kiểm soát chất lượng tái chế cũng cần được áp dụng chặt chẽ.

Giải pháp cho chất lượng tái chế

Yếu tố tiên quyết để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn, theo PRO Việt Nam nằm ở tỷ lệ thu gom và phân loại rác thải. Luồng rác thải “sạch” sau khi phân loại đúng cách hạn chế nguy cơ bị lẫn tạp chất trong quá trình xử lý, đồng thời giúp tiết giảm chi phí, tăng cường hiệu quả hoạt động của đơn vị tái chế.

Nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế gắn liền với nhận thức và hành vi của người tiêu dùng. PRO Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành công tác giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi thải rác của người tiêu dùng, đặt nền móng cho mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một yếu tố khác có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực tới chất lượng tái chế, cũng là kỳ vọng của công cụ chính sách EPR là việc doanh nghiệp chủ động thay đổi thiết kế sản phẩm, sử dụng chất liệu dễ thu gom, tái chế hơn.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện việc này như một cách để thể hiện trách nhiệm đối với môi trường và xã hội. Một số thành viên của PRO Việt Nam như Coca Cola, La Vie, Pepsico đã sử dụng chai nhựa trong suốt thay thế cho chai nhựa màu để chai nhựa có thể dễ dàng tái chế sau khi sử dụng.

Bên cạnh đó, năng lực của đơn vị, doanh nghiệp tái chế cũng quyết định tới chất lượng tái chế và tính khả thi của mô hình kinh tế tuần hoàn. Năng lực bao gồm trình độ về công nghệ, sáng kiến cho hoạt động tái chế cũng như trách nhiệm và ý thức của đơn vị tái chế.

Hiện tại, PRO Việt Nam tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị và tổ chức trong và ngoài nước để nâng cao năng lực tái chế. Một số đối tác có thể kể đến như Công ty giấy Đồng Tiến, VEOLIA, URENCO, Dự án Suy nghĩ lại về nhựa…

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)