DUYTAN Recycling và hành trình tái chế nhựa cho cuộc sống tái sinh

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

DUYTAN Recycling và hành trình tái chế nhựa cho cuộc sống tái sinh
06/12/2023 - 08:12:38 AM | 1574
Công cuộc xanh hóa nền kinh tế và hướng tới Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam ghi nhận nhiều dấu ấn tiên phong của các doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có DUYTAN Recycling.

Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT và Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, 80% số túi nilon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Việt Nam đứng thứ 4/20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế.

Rác thải nhựa là vấn đề gây nhức nhối tại Việt Nam nhưng cũng là cơ hội cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực tái chế vật liệu, trong đó có DUYTAN Recycling.

TÁI CHẾ NHỰA - XUẤT KHẨU ĐI 12 QUỐC GIA

Sau cam kết đưa phát thải ròng tại Việt Nam về mức 0 vào năm 2050 của thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, góp phần vào những mục tiêu lớn của đất nước, DUYTAN Recycling là một trong những doanh nghiệp có những hoạt động tiên phong trong việc chuyển đổi xanh, với mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa.

Theo đó, nhằm tăng cường quản lý, tái chế và giảm thiểu chất thải nhựa gây ô nhiễm môi trường và đại dương, DUYTAN Recycling đã đầu tư và xây dựng một nhà máy cung cấp sản phẩm nhựa tái chế chất lượng cao với công nghệ “Bottle-to-Bottle”. Mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp mới, qua đó, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.

Với tổng diện tích 65.000m2, nhà máy của DUYTAN Recycling vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, môi trường, an toàn và sức khỏe; đơn cử là tiêu chuẩn FDA của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chứng nhận EFSA của Cơ quan An Toàn Thực Phẩm Châu Âu và 15 chứng chỉ khác.

Sản phẩm chính của nhà máy là hạt nhựa tái sinh rPET cho bao bì thực phẩm và rHDPE cho bao bì hóa mỹ phẩm được sản xuất với quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn đối với bao bì. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ có công suất xử lý sẽ đạt 100.000 tấn nhựa/năm tương đương 7 tỷ chai nhựa được tái sinh mỗi năm.

Với công nghệ tái chế chất lượng cao, 10 tháng đầu năm 2023, nhà máy đã thu gom và tái chế 18.200 tấn (tương đương 1,6 tỷ chai). Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Châu Âu với sản lượng xuất khẩu 9.100 tấn/56%.

Nhiều vỏ chai nhựa và sản phẩm khác từ nhựa, như bàn ghế, tủ quần áo... sẽ được thu gom và tái chế, qua đó giảm thiểu lượng nhựa nguyên sinh để sản xuất sản phẩm mới. Đồng thời, giảm được lượng dầu mỏ sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhờ những bước đi mạnh dạn trong chuyển đổi xanh, ngày 30/10/2023, DUYTAN Recycling vinh dự đạt Chứng nhận Doanh nghiệp Công nghệ cao do Bộ Khoa học & Công nghệ cấp. Đây được coi là một trong những bước tiến quan trọng đối với Công ty nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng sản xuất, năng lực cạnh tranh và là bước khởi đầu cho kế hoạch phát triển trong tương lai.

Để đạt được chứng nhận này, toàn bộ hệ thống công nghệ của DUYTAN Recycling đều phải đảm bảo các tiêu chí đánh giá tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị và hiệu quả cao; có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc quốc tế.

Gần đây nhất, DUYTAN Recycling đã là doanh nghiệp đầu tiên được cấp chứng chỉ tín dụng xanh của HSBC.

NHỮNG "BÀI TOÁN KHÓ"

Nói về hành trình chuyển đổi xanh của mình, ông Lê Anh – Giám đốc phát triển bền vững DUYTAN Recycling cho biết, doanh nghiệp tái chế nhựa nói chung và DUYTAN Recycling có nhiều thuận lợi đến từ sự đồng hành của Chính phủ. Đáng chú ý, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đưa ra khái niệm EPR trong đó quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu trong việc tái chế và xử lý các sản phẩm, bao bì thải bỏ.

Ngoài ra, công ty cũng nhận được sự quan tâm, đồng hành trong các hoạt động, diễn đàn uy tín về kinh tế xanh, đóng góp sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững từ các doanh nghiệp hàng đầu như: Coca Cola, Nestle, Lavie, Unilever, Suntory Pepsico để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như từ các Hiệp Hội: Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA); Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Hiệp Hội Tái Chế Chất Thải Việt Nam (VWRA).

Nhưng đi kèm với thuận lợi bao giờ cũng là thách thức. Ông Lê Anh cho biết, một thách thức không nhỏ với DUYTAN Recycling là việc phân loại. Rác thải hầu hết chưa được phân loại tốt tại nguồn. Các hoạt động thu gom, tái chế còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu làm thủ công ở các làng nghề, chưa tuân thủ công tác môi trường.

Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, Việt Nam chưa có công nghệ tái chế phù hợp, các công nghệ tái chế hiệu quả phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí khá cao. Bao bì chưa có tiêu chuẩn hóa và chưa thân thiện với công nghệ tái chế, chưa khuyến cáo phân rõ vật liệu dùng cho nắp chai, nhãn, keo để việc tái chế được thuận tiện và giảm chi phí, cũng như giảm hao hụt nguyên liệu trong sản xuất.

Một thách thức khác là từ phía người tiêu dùng, khi họ chưa được truyền thông đúng về sản phẩm tái chế. Người tiêu dùng chưa ưu tiên sử dụng sản phẩm có bao bì từ nhựa tái chế.

Kinh tế tuần hoàn là khái niệm mới nhiều người không biết đến. DUYTAN Recycling bắt đầu tìm hiểu về công nghệ từ năm 2016, bắt đầu xây dựng từ năm 2019 và vận hành từ năm 2021. Nhựa tái sinh trên thế giới đắt hơn khá nhiều, thậm chí đắt hơn tới 40-50%. Do đó khá dễ hiểu khi ít doanh nghiệp sử dụng.

"May mắn là chúng tôi cũng đã có thị trường, có cả nước ngoài. Thành thực chia sẻ về mặt kinh doanh, chúng tôi chưa có lãi. Đó là bài toán khó, kinh tế tuần hoàn thực sự thách thức vì chi phí đầu tư tái chế công nghệ cao rất lớn, người tiêu dùng chưa đón nhận, khách hàng chưa sẵn sàng", ông Lê Anh chia sẻ tại Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình".

HÓA GIẢI NHỮNG THÁCH THỨC

Với vai trò là một doanh nghiệp tái chế nhựa có các hoạt động tích cực trong quá trình xây dựng, triển khai và áp dụng các mô hình về kinh tế tuần hoàn, tại Hội thảo trên, đại diện DUYTAN Recycling đã kiến nghị một số giải pháp để thành công trong việc xử lý rác thải nhựa mà ở đó, cần sự chung sức của toàn xã hội.
Cụ thể là khâu truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn và khuyến khích người tiêu dùng đón nhận sản phẩm bao bì nhựa tái chế; cơ quan quản lý cần ban hành tiêu chuẩn thiết kế bao bì và tem nhãn thuận lợi cho việc tái chế; ban hành tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho bao bì sử dụng nhựa tái chế; mã số HS Code cần tách biệt dành cho nhựa tái chế và nhựa nguyên sinh để phòng vệ thương mại.

Đáng chú ý, do thu mua từ ve chai nhỏ lẻ nên doanh nghiệp chưa có chứng từ, hóa đơn đầu vào để ghi nhận chi phí hợp lý, hợp lệ. Để đảm bảo việc tuân thủ các quy định về thuế, DUYTAN Recycling đề xuất cơ chế khấu trừ thuế thu nhập cá nhân khi thu mua phế liệu từ các cá nhân và hộ cá nhân kinh doanh. Cụ thể theo cơ chế ủy quyền cho doanh nghiệp thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay các vựa phế liệu. Đối với khoản thu nhập từ bán phế liệu nhựa mà Công ty chi trả cho các vựa phế liệu là các cá nhân/hộ kinh doanh không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với mức thuế suất áp dụng theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC là 1% thuế GTGT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân tính trên giá thanh toán cho vựa phế liệu.

Ông Lê Anh cũng kỳ vọng khi Nghị định 08 đi vào thực tế. “Tôi tin ngành tái chế công nghệ cao sẽ có sự thay đổi năng động hơn, doanh nghiệp dấn thân hơn, có thêm nhiều ngành tham gia, chẳng hạn như doanh nghiệp giấy.”

Cuối cùng, khi thông tin các chủ đề ESG rất nhiều, thì “đừng coi ESG là chi phí mà là sự đầu tư”.

“Đầu tư vào máy móc mới đắt tiền hơn, nhưng tiết kiệm năng lượng hơn, có tác động tích cực thời gian dài. Chúng tôi có đến một số doanh nghiệp làm sản xuất, việc chuyển đổi giúp họ tinh gọn, giảm thải, giảm năng lượng đáng kể. Hơn nữa, hiện nay cũng có nhiều đơn vị tư vấn về ESG, nếu thực sự muốn đầu tư cho tương lai, chúng ta có thể tìm đến họ”, Giám đốc phát triển bền vững DUYTAN Recycling chia sẻ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang đã tích cực thực hiện các dự án như “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ” do DUYTAN Recycling kết hợp cùng Quỹ Coca-Cola Toàn cầu và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) triển khai; ngày hội thí điểm “Tách nhựa để Tái chế” phối hợp cùng Unilever diễn ra hồi tháng 6 tại TPHCM; đồng thời hợp tác, kết nối với nhiều doanh nghiệp để có nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)