Đâu là nhựa an toàn để đựng đồ ăn thức uống?

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Đâu là nhựa an toàn để đựng đồ ăn thức uống?
10/07/2023 - 02:07:45 PM | 1731
Các ký hiệu trên các bình nước cá nhân hay các đồ dùng nhựa không chỉ được viết lên cho vui, mà chúng mang thông tin quan trọng về chất liệu, đi kèm khuyến cáo sử dụng.

Bình nước cá nhân đã và đang trở thành một trong những vật dụng quen thuộc trong đời sống con người, đặc biệt là với dân văn phòng hay các bạn học sinh, sinh viên. Bởi chúng mang lại sự tiện lợi, giá thành lại đa dạng, phải chăng, dễ mua, dễ dùng. Trên thị trường có rất nhiều các loại bình khác nhau, tương ứng với các loại dung tích và tính năng nhất định.

Tuy nhiên, thời gian gần đây trên mạng xã hội, một vài người dùng quay video bỏ đi chiếc bình nước mà họ sử dụng với lý do là phát hiện đáy bình có ký hiệu hình tam giác, bên trong là số 7.

Vậy việc này có đúng không, nhựa số 7 là gì mà lại khiến chủ nhân làm như vậy?

Nhựa số 7: Loại nhựa không an toàn

Trên thực tế, nhựa số 7 là để chỉ những loại "nhựa khác" không thuộc 6 nhóm nhựa được định danh cụ thể (nhựa PETE, nhựa HDPE, nhựa PVC, nhựa LDPE, nhựa PP và nhựa PS). Loại nhựa phổ biến nhất của nhóm nhựa số 7 là nhựa Polycacbonat (nhựa PC).

Thành phần của các loại nhựa nhóm số 7 PC chứa Bisphenol-A, được viết tắt là BPA. Đây là một hoạt chất nhân tạo, chủ yếu có trong một loại sơn bảo quản, dùng để tráng bên trong các sản phẩm bằng nhựa và đồ hộp kim loại thực phẩm, nhằm bảo quản, chống lão hóa, chống thấm và ăn mòn.

Ngoài ra, BPA cũng rất phổ biến trong các loại sơn tổng hợp khác, đặc biệt là những loại dùng để sơn cửa, bàn ghế, tường nhà...


BPA - hoạt chất nhân tạo ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng có trong nhựa số 7 PC. (Ảnh minh họa)

Chính bởi cấu tạo trên nên nhựa số 7 PC được đánh giá là độc hại, không an toàn với sức khỏe người dùng, theo tờ Natural News. Đặc biệt khi dùng để đựng đồ ăn hay thức uống nóng, chúng có thể bị nhiễm độc từ thành phần của nhựa.

Theo các nghiên cứu, một số tác hại với sức khỏe của con người đến từ các vật dụng làm từ BPA có thể kể tới như làm hỏng men răng của trẻ nhỏ, ảnh hưởng tới quá trình sinh sản ở cả nam giới và nữ giới...

Có nên sử dụng vật dụng làm từ nhựa số 7?

Trên thực tế, bên cạnh các loại kính đeo mắt, kính chống đạn, đồ bảo hộ, thiết bị y tế hay đĩa CD, các loại nhựa số 7 cũng được sử dụng trong việc sản xuất đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, loại nhựa này được đánh giá là không an toàn để tái chế hay tái sử dụng.

Theo chuyên trang Everyday Recycler, một số quốc gia trên thế giới thậm chí đã cấm sử dụng dùng nhựa PC thuộc nhóm nhựa số 7 để làm bình sữa cho trẻ em.

Chính vì vậy, tốt hơn hết bạn không nên sử dụng các vật dụng được làm từ nhựa nhóm số 7 để đựng đồ ăn, thức uống hay tái chế chúng. Bên cạnh nhựa số 7, nhựa số 3 và số 6 cũng nên tránh.

(Ảnh Báo Lao Động)

Các loại nhựa an toàn
Nhóm các loại nhựa bắt đầu được phân định rõ ràng từ năm 1980. Theo đó, có tất cả 7 nhóm nhựa thì có 4 trong số đó an toàn với người dùng khi sử dụng để đựng, bảo quản đồ ăn thức uống. Chúng là nhóm nhựa số 1, số 2, số 4 và số 5.

Nhựa số 1: PET hoặc PETE (Polyethylene Terephthalate)

Những loại nhựa ở nhóm 1 nhẹ, trong suốt, chịu được nhiệt lên tới 200 độ C. Đây là chất liệu chủ yếu làm nên các chai đồ uống (nước khoáng, nước ép, nước ngọt...), chai lọ đựng thực phẩm (nước sốt, tương, bơ, mật ong...) hay có cả trong vải, quần áo hay dây thừng.

Tuy chịu được nhiệt độ cao nhưng các sản phẩm từ nhựa nhóm số 1 không được cho vào lò vi sóng và cũng rất hạn chế trong việc tái chế.

Nhựa số 1 an toàn khi sử dụng, tuy nhiên không nên tái chế. (Ảnh minh họa)

Nhựa số 2: HDPE
Nhóm nhựa số 2 thường xuất hiện trong chất liệu hộp sữa, chai chất tẩy rửa, lót hộp ngũ cốc, đồ chơi, các loại xô chậu hay ống cứng.

Đặc điểm nổi bật của nhóm này là bền hơn, có tính chống độ ẩm và hóa chất. Chúng có thể cho được vào trong lò vi sóng ở công suất thấp, khoảng 800W.

Các loại chai, lọ ở nhóm nhựa số 2 khi được tái chế nên chú ý làm sạch kỹ. Bởi các chất bẩn còn sót lại trên chúng rất có thể biến chúng thành ổ khuẩn.

Nhựa số 2 an toàn khi sử dụng và tái chế, tuy nhiên cần làm sạch cẩn thận. (Ảnh minh họa)

Nhựa số 4: LDPE

Thực tế, nhựa LDPE tương tự như nhựa nhóm số 2 (HDPE), tuy nhiên mềm hơn. Nó thường được sử dụng phổ biến để sản xuất các hộp mì ăn liền, vỏ các loại bánh snack, bao bì đựng thực phẩm.

Loại nhựa này không nên cho vào lò vi sóng để hâm vì khi nóng lên, chúng có thể chảy nhựa, gây hại cho sức khỏe.

Nhựa số 5: PP (Polypropylene)

Nhựa số 5 PP là loại nhựa được các chuyên gia khuyên nên sử dụng trong bảo quản, đựng thực phẩm bởi chúng là loại an toàn nhất với sức khỏe người dùng.

Nó có độ bền cao, chịu nhiệt tốt được từ 130 - 170 độ. Cũng theo Natural News, các loại chai, hộp được làm từ nhựa số 5 có thể an toàn khi dùng với lò vi sóng. Tuy nhiên chỉ nên hâm nóng trong thời gian khoảng 2 - 3 phút.

Nhựa số 5 cũng phù hợp để tái chế trong thời gian dài mà không gây độc hại.

Nhựa số 5 là loại nhựa có độ bền cao và an toàn nhất với con người. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, nhựa số 7 không hoàn toàn là không thể sử dụng. Công nghệ hiện đại đã cho ra loại mới của nhựa số 7, đó là nhựa số 7 Tritan. Loại nhựa này được đánh giá là có thể sử dụng an toàn.

Vì vậy, khi mua các loại dụng cụ, đồ dùng bằng nhựa như hộp nhựa, chai lọ nhựa, hãy chú ý các ký hiệu được ghi trên thân hay đáy của chúng. Các ký hiệu này không chỉ được viết lên cho vui, mà chúng mang ý nghĩa quan trọng về các khuyến cáo sử dụng.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)