Chủ động vào cuộc tái chế sản phẩm, bao bì

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Chủ động vào cuộc tái chế sản phẩm, bao bì
17/01/2024 - 10:01:59 AM | 1155
Trong khi chờ đợi quy định chính thức về định mức chi phí tái chế, một số nhà sản xuất, nhập khẩu nhanh nhạy, có tầm nhìn xa đã chủ động thực hiện những bước đi mạnh dạn nhằm nắm bắt thời cơ.

Công nhân phân loại chai nhựa đầu vào tại một trạm thu gom vệ tinh. Ảnh: PHI VÂN

Tiên phong tái chế

Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, năm 2021, 9 doanh nghiệp lớn, gồm TH Group (với thương hiệu TH True milk), Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation, đã ngồi lại cùng nhau để thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (gọi tắt là PRO Việt Nam).

Gần 3 năm qua, PRO Việt Nam đã xúc tiến nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, phát triển các hệ thống thu gom bao bì sẵn có, hỗ trợ các chương trình tái chế của các nhà máy xử lý và sản xuất nguyên liệu tái chế. Các thành viên của PRO Việt Nam cũng thực hiện nhiều hoạt động riêng có ý nghĩa.

Cụ thể, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (Suntory PepsiCo) ký biên bản hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Nhựa tái chế DUYTAN (DUYTAN Recycling) về việc cung cấp nhựa tái sinh để sản xuất bao bì cho các sản phẩm của Suntory PepsiCo giai đoạn 2022-2026. Tháng 10-2023, Công ty TNHH La Vie (La Vie), thành viên của Tập đoàn Nestlé, cũng ký biên bản ghi nhớ về chương trình hợp tác thu gom và tái chế nhựa với DUYTAN Recycling.

Theo chiến lược 5 năm vừa được hai bên thống nhất, La Vie và DUYTAN Recycling sẽ chung tay thực hiện thu gom, tái chế 11.000 tấn rác thải nhựa, áp dụng cho các sản phẩm chai La Vie có dung tích đến 19l.

Tháng 11-2023, Friesland Campina Việt Nam cũng tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương và Công ty Cơ khí xây dựng Trường Thịnh nhằm mục tiêu nâng cao năng lực thu gom, tái chế bao bì.

Tương tự, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam) cho biết đang cộng tác với cả đơn vị thu gom (như Công ty cổ phần VietCycle), lẫn đơn vị tái chế (như DUYTAN Recycling) để thúc đẩy tuần hoàn nhựa - cơ chế chuẩn bị cho việc thực hiện quy định về tái chế. Unilever Việt Nam cũng đang nghiên cứu cải tiến thiết kế bao bì nhằm tăng tỷ lệ có khả năng tái chế (tỷ lệ hiện tại là 63%). Hiện công ty này đã giảm được 52% lượng nhựa nguyên sinh sử dụng nhờ sử dụng nhựa PCR trong sản xuất.

Nhà máy giấy Tân Mai- KCN Hiệp Phước, Nhà Bè xử lý giấy phế thải thu hồi bột giấy để sản xuất giấy mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tận dụng cơ hội

Mặc dù việc thực hiện trách nhiệm tái chế trước mắt sẽ khiến các doanh nghiệp phải tốn kém thêm một khoản chi phí, song nhìn từ góc độ khác, việc này cũng sẽ mở ra cơ hội mới cho nhiều doanh nghiệp. Đón đầu cơ hội đó, đại diện Công ty Plastic People (thành lập vào tháng 9-2020 tại TPHCM) cho biết, chỉ trong hơn 2 năm, 650 tấn rác nhựa sau tiêu dùng như chai, ly, hộp nhựa, túi ni lông… đã được công ty này tái chế 100%.

Đặc biệt, đã có những cú bắt tay nội - ngoại khá ngoạn mục và rất đáng chờ đợi: một số nhà tái chế trong nước đã chủ động liên hệ, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngày 1-3-2023, Công ty cổ phần VietCycle đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn ALBA Châu Á xây dựng nhà máy tái chế nhựa PET/HDPE đạt chất lượng bao bì thực phẩm lớn nhất Việt Nam. Tổng vốn đầu tư cho nhà máy dự kiến lên tới 50 triệu USD và công suất 48.000 tấn/năm.

Theo chủ đầu tư, nhà máy sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến từ Đức, tái chế ra nhựa rPET (recycled polyethylene terephthalate - loại nhựa có thể tái chế được nhiều lần - PV) đạt chuẩn quốc tế. Đây là nhà máy nhựa tái chế lớn nhất và cũng là nhà máy tái chế ra sản phẩm nhựa có thể sử dụng đựng thực phẩm đầu tiên tại miền Bắc, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của châu Âu; được nhiều tập đoàn đa quốc gia áp dụng.

Theo TS Axel Schweitzer- Chủ tịch Tập đoàn ALBA Châu Á, dự án sẽ đóng góp thêm giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa đang ngày càng trở thành vấn đề nan giải tại Việt Nam, đồng thời sẽ tạo ra một lượng đáng kể việc làm “xanh”, góp phần cải thiện an sinh xã hội cho nhiều lao động thu gom nhựa phi chính thức thông qua việc cung cấp các khóa đào tạo và bảo hiểm cơ bản.

PGS-TS Nguyễn Đức Quảng, Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu, tư vấn cho Bộ TN-MT khi xây dựng định mức Fs: Tự tổ chức tái chế nhưng phải đảm bảo môi trường

Tôi rất chia sẻ với băn khoăn của doanh nghiệp về định mức Fs. Tuy nhiên, tôi cho rằng các nhà sản xuất, nhập khẩu nên tập trung vào phương thức đầu tiên để thực hiện trách nhiệm tái chế, đó là tự mình tổ chức tái chế, nhưng phải đảm bảo chất lượng môi trường. Đóng Fs chỉ là lựa chọn thứ 2, thông thường thì nên áp dụng cho nhóm sản phẩm bao bì ít được thu gom, tái chế chính thức tại Việt Nam.

Việc tự tổ chức tái chế sẽ có lợi hơn về mặt kinh tế. Hiện nay, nhà sản xuất trong Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đang tự thuê các đơn vị tái chế với chi phí thấp hơn rất nhiều khi đóng tiền.

Theo Ngân hàng Thế giới, hàng năm có khoảng 3 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam và khoảng 0,28-0,73 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra đại dương. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý các dòng chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng, đang ngày càng trở nên là một thách thức lớn do quá trình đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự gia tăng dân số.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)