Một túi nhựa, một hộp đựng pizza, muỗng nĩa, ống hút nhựa, khăn giấy, lon nước ngọt..., chỉ cần một bữa ăn mua mang đi có thể gây nhiều rối rắm đối với người muốn bảo vệ môi trường. Rác nào trong số này có thể tái chế? Loại rác nhựa nào cần phải cho vào đúng thùng rác? Cần phải làm gì nếu trong hộp chứa vẫn còn thừa đồ ăn?
Nghe thì dễ, nhưng tái chế có thể gây nhiều vấn đề phức tạp, và quy định lại khác nhau theo từng thành phố ở Mỹ. Đó là lý do tại sao chỉ có khoảng 32% rác thải ở nước này được tái chế. Chỉ có khoảng 6% số rác nhựa, từ chai nhựa đến ống tiêm, được sản xuất ở Mỹ vào năm 2021 được tái chế, theo báo cáo của tổ chức Hòa Bình Xanh. Một số loại được thiết kế khiến chúng khó được xử lý lại, hoặc nhà tái chế chật vật khi tìm người muốn mua dạng vật liệu tái sử dụng này.
Đó là vấn đề cho môi trường và sức khỏe con người. Toàn bộ rác nhựa đều phân hủy thành những hạt siêu nhỏ, gây nhiễm bẩn mọi thứ, từ đại dương đến cơ thể con người. Thậm chí sữa mẹ hiện cũng nhiễm hạt vi nhựa.
Vật liệu mà con người có thể tái chế tối đa là giấy, với 68% số rác giấy ở Mỹ được tái sử dụng. Giới chuyên gia cho biết dân nước này vẫn có thể thực hiện những thay đổi cần thiết để gia tăng tỷ lệ tái chế rác nhựa trong thời gian tới.
Loại rác nhựa nào có thể tái chế?
Nếu muốn phân loại rác tốt hơn, người tiêu dùng được khuyến cáo không nên quá chú ý đến những hình dạng mũi tên in trên thân nhựa. Đây là dấu hiệu dùng để hỗ trợ các cơ sở tái chế. Tuy nhiên, cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy 68% số người tham gia cho rằng biểu tượng các mũi tên kết nối thành hình tam giác là dấu hiệu chỉ sản phẩm này có thể tái chế.
Theo các chuyên gia, mỗi người nên tự nghiên cứu để nắm được kiến thức tổng quát về loại rác nhựa nào có thể tái chế. Theo thói quen, tam giác đánh số 1 hoặc 2 được chọn tái chế nhiều nhất. Chúng thường là nhựa cứng, như chai nước, bình sữa, và các nhà máy được trang bị phương tiện để làm sạch, cắt nhỏ và làm nóng chảy dạng nhựa này.
Tại Mỹ, chai nhựa đánh số 5, thường dùng làm bao bì thực phẩm và chai thuốc, có thể được tái chế trong phạm vi cộng đồng. Các số hiệu còn lại, từ 3,4,6,7, thường ra thẳng bãi rác nếu bạn vứt vào thùng rác tái chế. Những dạng đồ vật được đánh số như trên bao gồm túi nhựa đi chợ, màng xốp hơi, bao bì dẻo bọc thức ăn.
Tạp chí National Geographic dẫn lời bà Darby Hoover, chuyên gia tái chế của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia Mỹ, cảnh báo một trong những vấn đề lớn nhất chính là con người cứ vứt vào thùng rác tái chế bất kỳ loại rác nào mà họ mong muốn có thể tái sử dụng. Thế nhưng, điều này chỉ gây mất thời gian để phân loại, và trong trường hợp tệ hại có thể mắc vào máy phân loại rác nhựa, khiến nhân viên phải tháo gỡ bằng tay, từ đó làm trì hoãn toàn bộ quy trình tái chế.
Ông Marti Matsch, Phó giám đốc hãng Eco-Cycle (trụ sở tại Denver, bang Colorado) chuyên về tái chế, cho biết trung bình công ty của ông phải vứt đi khoảng 10% số rác đến từ thùng rác tái chế, vì mọi người cứ thẳng tay vứt vào đấy đủ loại đồ vật, từ túi nhựa đến quần áo.
Mỗi người nên tự nghiên cứu để nắm được kiến thức tổng quát về loại rác nhựa nào có thể tái chế
Liệu có cần làm sạch rác tái chế?
Một sự thay đổi nữa có thể gia tăng tỷ lệ rác có thể tái chế là bảo đảm thùng rác không chứa thức ăn thừa, bụi đất hoặc hóa chất. Chẳng hạn, giấy được xử lý tốt nhất khi sạch sẽ, và bất kỳ hạt thức ăn thừa hoặc chất ẩm đồng nghĩa với nguy cơ giấy có thể sẽ chẳng bao giờ được tái chế. Đó là lý do các hộp pizza thường đi thẳng vào thùng rác.
Các thành phố và thị trấn ở Mỹ đều cung cấp chỉ dẫn cho người dân về cách phân loại rác tái chế. Ví dụ, tại Washington D.C., bạn có thể học cách bỏ rác đúng nơi dựa trên việc tìm kiếm trong kho cơ sở dữ liệu của thành phố. “Đối tác Tái chế”, một tổ chức muốn cải thiện hệ thống về lãnh vực này ở Mỹ, thành lập môt kho dữ liệu trên toàn quốc, cho phép người dân dễ dàng tìm được chỉ dẫn cho từng địa phương.
Rác tái chế thường đi đâu?
Bán vật liệu tái chế là một cách cho phép các cộng đồng bù chi phí thu thập, phân loại và xử lý rác tái chế. Đây là một phần quan trọng nếu muốn tái chế thành công. Ở Colorado có hẳn một chợ trực tuyến sử dụng chai nhựa đánh số 5, nên Eco-Cycle cũng chấp nhận tái chế loại nhựa này. Dù vậy, cũng khó tìm được người mua rác nhựa tái chế so với rác nhôm tái chế.
Trong nhiều thập niên, Trung Quốc thường mua rác nhựa của Mỹ, và mỗi năm nhập khẩu hàng triệu tấn rác nhựa từ nước này. Thế nhưng, đến năm 2017, Trung Quốc nâng cấp tiêu chuẩn về nhựa và không còn mua rác của Mỹ. Một số rác Mỹ tìm đường sang các nước khác như Indonesia, Mexico, hoặc cuối cùng bị chôn ở bãi rác.
(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)
- Quy định mới về quản lý chất thải nhựa(01/10/2022)
- Thông báo của Liên minh Châu Âu về hạt vi nhựa(08/10/2022)
- Công nghệ mới giúp biến đổi rác thải nhựa polyethylene thành nhựa tiêu dùng(15/10/2022)
- Biến rác thải nhựa thành học bổng(23/10/2022)
- Sony sản xuất tai nghe làm từ nhựa tái chế(30/10/2022)
- Đến năm 2025, 85% lượng chất thải nhựa phát sinh được tái sử dụng và xử lý(05/11/2022)
- Nhựa gây nhiều tác hại đến sức khỏe(12/11/2022)
- Sony sẽ loại bỏ nhựa khỏi tất cả hộp đựng(20/11/2022)
- Mỹ phát triển thành công vật liệu nhựa mới có khả năng dẫn điện(27/11/2022)
- Cơ hội nào cho bao bì thân thiện môi trường?(02/12/2022)
- Unilever Việt Nam chia sẻ về quản lý rác thải nhựa tại hội nghị APAC(11/12/2022)
- Báo giá PE cạnh tranh của Mỹ gây náo loạn các thị trường toàn cầu trong quý 4 sau hai năm gián đoạn(17/12/2022)