Biến rác thành tiền

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Biến rác thành tiền
25/08/2023 - 11:08:15 AM | 2028
Đó là mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) triển khai thực hiện. Mô hình này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái biển mà còn hỗ trợ sinh kế và trợ giúp khó khăn đối với người nghèo của địa phương.

Trước khi triển khai thực hiện, Hội LHPN xã Bình Minh đã tích cực tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sinh thái biển, cần thiết phải thu gom vỏ lon, vỏ chai nước sau khi sử dụng, bỏ vào túi lưới đem về bờ để phân loại rác thải rồi bán, gây quỹ hỗ trợ người nghèo.

Sau đó, Hội LHPN xã thực hiện mô hình với sự tham gia của 25 chủ tàu. Các chủ tàu ký cam kết hoạt động giảm rác thải nhựa; nhận dụng cụ, bao lưới từ Hội để thu gom và lưu trữ rác thải nhựa trên tàu; tuyên truyền tới thuyền viên trên tàu; thực hiện phân loại rác trên tàu và đưa rác về bờ.

Hội LHPN xã Bình Minh với mô hình “thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền”. Ảnh: Hội Phụ nữ Việt Nam

Qua một thời gian triển khai, trung bình sau mỗi chuyến đi biển trở về, các tàu mang vào bờ từ 30 đến 50kg rác thải. Sau khi nhận và phân loại rác thải, Hội LHPN xã đã bán gây quỹ với tổng số tiền gần 30 triệu đồng. Số tiền này được Hội hỗ trợ các trường hợp phụ nữ khó khăn đột xuất, nhận đỡ đầu 2 cháu và hỗ trợ 6 ngư dân nghèo bị sự cố chìm tàu.

Mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền” của Hội LHPN xã Bình Minh đã trở thành điểm sáng, bởi ngoài giá trị cốt lõi là chung tay bảo vệ môi trường sống còn lan tỏa ra cộng đồng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là biến rác thành tiền để tạo nguồn quỹ hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo.

Hiệu quả của mô hình này đã truyền đi thông điệp khả quan về bảo vệ môi trường biển, xây dựng làng quê theo hướng thân thiện môi trường, đồng thời khích lệ gắn kết tình làng nghĩa xóm với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.

Chúng ta có thể nhận thấy, để môi trường trở nên sạch đẹp, xã hội ngày càng văn minh, mỗi người dân phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường. Ngay từ những hành động nhỏ nhất như ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi cũng góp phần vào việc bảo vệ môi trường xung quanh.

Ngoài vai trò quản lý của Nhà nước, cần sự chung sức của mọi người, trong đó quan trọng là thái độ quyết liệt, rõ ràng của xã hội lên án việc xả rác bừa bãi nơi công cộng thì tự khắc mỗi cá nhân sẽ điều chỉnh hành vi của mình.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, môi trường trở thành đối tượng được nhân loại quan tâm, bảo vệ hàng đầu. Ở nước ta, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Chính những hành động thiếu ý thức, vô trách nhiệm, thiếu kiến thức của con người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Chìa khóa cho một cuộc sống an lành và sức khỏe bền vững đó chính là môi trường trong sạch. Thiết nghĩ, vấn đề môi trường và tư duy văn minh sinh thái cần được đưa vào hệ thống chương trình giảng dạy ở các cấp học. Các địa phương cần tích cực tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng cho mọi người dân hiểu rõ vai trò to lớn của môi trường sống, để từ đó tích cực, tự giác chung sức, đồng lòng tạo ra một môi trường xanh-sạch-đẹp; xóa bỏ thói quen vứt rác thải bừa bãi; xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, nếp sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)