Những con số biết nói
“Rác thải nhựa" là cụm từ không còn xa lạ với đông đảo người dân Việt Nam bởi nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Tại tọa đàm “Đánh bại ô nhiễm nhựa - Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam” diễn ra mới đây, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cảnh báo: “Ở Việt Nam, hiện nay, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, 80% số túi nilon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Rác thải nhựa gây ra cái chết cho nhiều sinh vật, các hóa chất phụ gia trong sản phẩm nhựa có thể tác động trực tiếp đến con người và động vật".
Rác thải nhựa bị đẩy xuống đại dương. (Ảnh: onegreenplanet.org)
Người Việt lạm dụng quá mức đồ nhựa như: thìa nhựa, ly nhựa, cốc nhựa, bát nhựa phục vụ quá trình sinh hoạt hàng ngày của con người, nhất là ở các cửa hàng bán đồ ăn uống hay tại các sự kiện, buổi dã ngoại... Khi khách mua đồ ăn uống mang về, thường không mang theo đồ để đựng, mà nhà hàng chuẩn bị hộp xốp, hộp nhựa gói hàng và phụ thu mỗi khách thêm 5.000 - 10.000 đồng. Đây chỉ là 1 trong số vô vàn những lý do có thể giải thích cho việc 350 triệu tấn nhựa được sản xuất ra mỗi năm và thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn.
Những con số không chỉ mang ý nghĩa thống kê từ năm này qua năm khác, mà nó còn là tiếng chuông cảnh báo khi môi trường sống, mẹ thiên nhiên đang “kêu gào" bởi bị rác thải nhựa bao vây. Với tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa đang là “kẻ thù" không đội trời chung với môi trường. Vì vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời thì rác thải nhựa sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như làm tổn hại tới sức khỏe con người.
Biến lời nói thành hành động
Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; tuy nhiên nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa.
Chính vì vậy, tại tọa đàm “Đánh bại ô nhiễm nhựa - Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam”, bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đề xuất: “Cần ban hành những chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, đặc biệt đối với các bao bì nhựa, nilon khó phân hủy. Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Áp dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa bằng nhiều phương pháp, vừa có thể xử lý chất thải nhựa khó phân hủy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường…”.
Việc đột ngột thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người dân thực sự khó, nhưng không phải là không có cách khắc phục. Thêm vào đó, cần có biện pháp khắc chế với các cơ sở sản xuất và phân phối đồ nhựa. Cần tăng cường giám sát, thành lập những đội kiểm tra với hành vi xả rác, xả thải bừa bãi, xử lý vi phạm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp, sử dụng đồ nhựa trong mô hình kinh doanh đã bị cấm sử dụng đồ nhựa.
Mặt khác, cần tuyên truyền nhiều hơn nữa tới người dân về tác hại, mặt trái của sự tiện lợi mà đồ nhựa đem lại. Ngoài ra, cần thuyết phục mọi người thay đổi thói quen dùng đồ nhựa một lần rồi vứt bỏ vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí tiền bạc, mà chuyển sang những đồ dùng có thể tái sử dụng.
Sinh viên tình nguyện tham gia tuyên truyền, dọn rác ở các khu vực đất trống.
Tại các tỉnh, thành phố lớn, nhiều siêu thị đã cam kết không sử dụng túi nilon. Một số hãng hàng không cũng cam kết đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay. Nhiều cửa hàng nước giải khát không phục vụ ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần…
"Cuộc chiến" chống rác thải nhựa là cuộc chiến dài hơi, không hề đơn giản. Mỗi người dân hãy nâng cao thêm ý thức, trách nhiệm của mình với môi trường, xã hội xung quanh, loại bỏ rác thải nhựa từ những thói quen thường nhật nhất. Chúng ta nên học cách biến hoá đồ nhựa đã sử dụng vào các mục đích khác nhau như: Chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, đựng các đồ dùng khác hoặc làm đồ trang trí, hộp nhựa có thể tái dùng làm chậu hoa nhỏ để bàn học, bàn làm việc... Và người dân nên học cách từ chối túi nilon, thay vào đó là sử dụng túi giấy, túi vải, những sản phẩm được gói đựng bằng lá, tre, nứa.../.
(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)
- Thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa(02/05/2024)
- Người mua châu Âu chuyển sang sử dụng PET nguyên sinh khi giá R-PET Flakes tăng cao(02/05/2024)
- Hong Kong (Trung Quốc) cấm đồ bằng nhựa dùng một lần từ 22/4(02/05/2024)
- Cuộc chiến tái chế rác thải nhựa ở Indonesia(02/05/2024)
- CHINAPLAS 2024 -Triển lãm Quốc tế lần thứ 36 về Công nghiệp Nhựa và Cao su(03/05/2024)
- Chung tay hành động thúc đẩy sản phẩm tái chế(20/05/2024)
- Nhựa HDPE có thể tái sử dụng được không(20/05/2024)
- Hướng dẫn mọi người cách phân loại rác thải nhựa (20/05/2024)
- Thời hạn dừng sản xuất, nhập khẩu nhựa dùng một lần(03/06/2024)
- Vì sao Mỹ quyết liệt cấm chai, túi, thìa dĩa nhựa tại các công viên?(03/06/2024)
- Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn sản xuất thành công nhiều sản phẩm nhựa hữu ích và thân thiện môi trường(03/06/2024)
- Rác thải nhựa đại dương và những con số biết nói(17/06/2024)