Bác sĩ Phạm Ánh Ngân (công tác tại Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), trả lời: Hạt nhựa (Microplasma - với kích thước nhỏ hơn 5 mm) và hạt vi nhựa (Nanoplasma - kích thước nhỏ hơn hạt nhựa 1.000 lần) đã được các nhà khoa học tìm thấy trong ruột và phân của loài người (công bố năm 2018).
Các hạt nhựa này đến từ hai nguồn chính: Các sản phẩm được sản xuất có chứa hạt hoặc bột nhựa như: mỹ phẩm, chất tẩy rửa, kem chống nắng,… Thứ hai là từ các mảnh nhựa lớn thông qua sự bức xạ tia cực tím, mài mòn cơ học và thay đổi sinh hóa của môi trường. Các hạt nhựa được phát hiện trong môi trường như sông ngòi, nước biển và thậm chí là muối ăn.
Sự thải loại hay tích tụ hạt vi nhựa trong cơ thể người được xử lý như thế nào, hiện các nhà khoa học còn đang nghiên cứu. Tuy nhiên, đã có báo cáo về sự tích tụ hạt vi nhựa ở thận, gan, ruột của chuột và phát hiện hạt vi nhựa trong bào thai người.
Điều lo ngại là với kích thước rất nhỏ, hạt vi nhựa có thể vượt qua hàng rào máu não hay không? Chúng ta đều biết có nhiều bệnh hệ thần kinh trung ương có liên quan đến sự phá vỡ hàng rào máu não dẫn đến thay đổi tính thẩm thấu, điều hòa vận chuyển tế bào miễn dịch và vận chuyển mầm bệnh vào não.
Tác động cụ thể của hạt vi nhựa như thế nào đến sức khỏe loài người hiện còn đang được nghiên cứu, và chúng ta đã phải đối diện với vấn đề toàn cầu này - chất thải nhựa và sức khỏe loài người.
Nguồn: thanhnien.vn