Dự thảo quyết định về định mức chi phí tái chế bao bì
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022 của Chính phủ, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm và bao bì sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc.
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm (gồm: pin, ắc quy, săm lốp, dầu nhớt) và bao bì của: thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất tẩy rửa, xi măng thương phẩm sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế kể từ ngày 01/01/2024; với nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện, điện tử sẽ thực hiện từ ngày 01/01/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm phương tiện giao thông sẽ thực hiện từ ngày 01/01/2027.
Tại dự thảo, định mức bao gồm: chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế. Chi phí áp dụng theo hệ số điều chỉnh, thể hiện hiệu quả tái chế, tức là sản phẩm, bao bì có hiệu quả tái chế cao có hệ số điều chỉnh thấp và ngược lại.
Áp lực chi phí lên doanh nghiệp
Dù đã có quá trình tham vấn khá kỹ lưỡng, nhưng khi dự thảo được công bố vẫn còn nhiều băn khoăn. Mới đây nhất, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị giảm định mức chi phí tái chế, chưa áp dụng xử phạt về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm giảm thiểu khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Xuất khẩu đến 90% các sản phẩm là bao bì, để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp phải neo giá cạnh tranh hơn đối thủ trong khi đầu vào cái gì cũng tăng. Đến nay, dù vẫn giữ được đơn hàng, nhưng trước mắt chưa biết sao khi doanh nghiệp thuộc diện phải nộp phí tái chế thời gian tới.
Tính đúng, tính đủ định mức chi phí tái chế - Ảnh 1.
Khi tính chi phí tái chế, nhiếu ý kiến cho rằng có thể bỏ qua yếu tố công nghệ, thị trường, nhưng nhất định phải tập trung vào những biến động của nguồn nguyên liệu đầu vào. (Ảnh minh họa - Ảnh: thesaigontimes)
"Nếu tăng 1 đồng, đồng nghĩa là chúng tôi phải tăng giá bán, sự cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế không còn. Chúng ta sẽ mất đơn hàng vào tay đối thủ khác", anh Đặng Văn Ánh, Tổng Giám đốc Công ty Haplast, cho biết.
Không chỉ tính theo mức cao, mà công thức tính phí tái chế cũng chưa đầy đủ. Ví dụ ngành hàng ô tô, xe máy là ngành hàng có giá trị thu hồi cao, nhưng công thức chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được nên không khuyến khích được kinh tế tuần hoàn. Đây cũng chính là điểm lãng phí cho xã hội.
"Trách nhiệm là cần thiết, phí là phải có, nhưng một số điểm chưa hợp lý, ví dụ như đối với ô tô, xe máy, người ta có thể thu hồi, tái chế gần như 100%, không bỏ đi cái gì, thì yếu tố đó nên tính toán và đưa ra phí tái chế cho hợp lý để doanh nghiệp thực hiện được", ông Đàm Công Quyết, Trưởng Bộ phận Truyền thông, Hiệp hội Ô tô Xe máy Việt Nam, nêu quan điểm.
Là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, với kinh nghiệm xây dựng nhiều loại phí bảo vệ môi trường, ông Hoàng Dương Tùng đánh giá, việc đưa ra mức phí phù hợp, thời điểm hợp lý sẽ đạt được đa mục tiêu chứ không chỉ riêng một mục tiêu kinh tế.
"Người ta thu nhưng không biết chi như thế nào, vì chưa có doanh nghiệp tái chế, mình chưa phát triển đến mức như người ta, nghĩa là có tiền có thể làm ngay một số việc, nhưng còn chán chê, mấy nghìn tỷ cứ nằm trong ngân hàng để làm cái gì, mà cơ chế này phải có sự đồng bộ. Mục đích cuối cùng không phải là tiền, mà là làm thế nào thay đổi nhận thức", ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay.
Phí tái chế là cần thiết để góp phần bảo vệ môi trường, nhưng mức phí ra sao và cách thu chi thế nào lại là vấn đề cần có sự đồng thuận từ cả nhà quản lý, doanh nghiệp để chính sách này thực sự có hiệu quả nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và xã hội.
"Fs đang chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, vì chưa trừ đi vật liệu có giá trị cao như nhôm, kim loại hay giấy. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Na Uy hay Đan Mạch, thì Fs này đang bằng 0", bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, đánh giá.
"Nghiêng nhiều về việc lấy ý kiến của bên cung chứ chưa tính toán, cân nhắc nhiều đến yếu tố của bên cầu, tức là yếu tố của doanh nghiệp có nhu cầu tái chế. Do vậy, để xây dựng được một định mức hợp lý hơn, tạo đồng thuận của các bên, thì vai trò quản lý Nhà nước hết sức quan trọng", GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, nhận định.
Khi tính chi phí tái chế, nhiếu ý kiến cũng cho rằng có thể bỏ qua yếu tố công nghệ, thị trường, nhưng nhất định phải tập trung vào những biến động của nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là khi giá cả thế giới liên tục biến động như hiện nay; mặt khác, cần tính toán sao cho chi phí tái chế không được thấp hơn so với chi phí mà hiện nay các doanh nghiệp phải chi trả cho các công ty xử lý chất thải rắn. Chỉ như vậy, các doanh nghiệp mới tự thay đổi phương thức sản xuất cũng như thể hiện trách nhiệm của mình với môi trường.
(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)
- Quy định mới về quản lý chất thải nhựa(01/10/2022)
- Thông báo của Liên minh Châu Âu về hạt vi nhựa(08/10/2022)
- Công nghệ mới giúp biến đổi rác thải nhựa polyethylene thành nhựa tiêu dùng(15/10/2022)
- Biến rác thải nhựa thành học bổng(23/10/2022)
- Sony sản xuất tai nghe làm từ nhựa tái chế(30/10/2022)
- Đến năm 2025, 85% lượng chất thải nhựa phát sinh được tái sử dụng và xử lý(05/11/2022)
- Nhựa gây nhiều tác hại đến sức khỏe(12/11/2022)
- Sony sẽ loại bỏ nhựa khỏi tất cả hộp đựng(20/11/2022)
- Mỹ phát triển thành công vật liệu nhựa mới có khả năng dẫn điện(27/11/2022)
- Cơ hội nào cho bao bì thân thiện môi trường?(02/12/2022)
- Unilever Việt Nam chia sẻ về quản lý rác thải nhựa tại hội nghị APAC(11/12/2022)
- Báo giá PE cạnh tranh của Mỹ gây náo loạn các thị trường toàn cầu trong quý 4 sau hai năm gián đoạn(17/12/2022)