Tin tức Nhập khẩu PE của Trung Quốc từ Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong quý 1 năm 2023

D6/38E Ấp 4, Xã Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP. HCM

phuchongplastic@gmail.com

Tin tức Nhập khẩu PE của Trung Quốc từ Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong quý 1 năm 2023
09/05/2023 - 08:05:42 AM | 1431
Dữ liệu từ Công cụ Thống kê của ChemOrbis cho biết nhập khẩu PE của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng đáng kể. Trong quý đầu tiên của năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 533.000 tấn PE của Mỹ, tăng hơn 180% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức kỷ lục chưa từng được ghi nhận.
Nhập khẩu PE từ Mỹ chỉ trong quý đầu tiên cho thấy nhiều hơn một nửa tổng nhập khẩu trong năm ngoái. Việc nhập khẩu PE của Trung Quốc từ Mỹ tăng một cách đáng kinh ngạc hoàn toàn trái ngược với thực tế là tổng nhập khẩu PE của quốc gia này trong quý 1 đã giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái do công suất mới được bổ sung và nhu cầu chậm hơn dự kiến trong nước.


Phân tích theo sản phẩm, nhập khẩu HDPE Mỹ của Trung Quốc tăng mạnh nhất khi tăng hơn bốn lần lên khoảng 154.000 tấn trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu LLDPE lớn nhất về số lượng, tăng gần gấp ba lên khoảng 255.000 tấn trong cùng kỳ. Nhập khẩu LDPE cũng tăng 34% lên 106.000 tấn trong khi nhập khẩu mLLDPE chỉ tăng nhẹ.

Tăng 220% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3

Trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, nhập khẩu PE từ Mỹ của Trung Quốc cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng khối lượng hơn 405.000 tấn. Riêng trong tháng 3, nhập khẩu PE từ Mỹ của quốc gia này tăng khoảng 220% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 220.000 tấn.

Động lực chính thúc đẩy đà tăng khối lượng PE từ Mỹ tại Trung Quốc

1. Quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện

Có một số lý do giải thích cho sự gia tăng nguồn cung từ Mỹ của Trung Quốc. Thứ nhất, việc quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cải thiện đã khiến người bán Mỹ tập trung nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại giữa hai nước trước đây đã khiến xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sụt giảm, nhưng tình hình có vẻ đã cải thiện.

Theo số liệu do Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố vào tháng 2, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đã lập kỷ lục vào năm 2022, đạt 690 tỷ USD. Những con số này nêu bật tác động tích cực của việc cải thiện quan hệ giữa hai nước đối với thương mại tổng thể.

2. Nguồn tồn kho gia tăng ở Mỹ do các nhà máy mới khởi động

Thứ hai, nguồn tồn kho ngày càng cao tại Mỹ đã góp phần làm tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Công suất PE bổ sung ở Bắc Mỹ trong những năm gần đây, bao gồm Shell với công suất PE 1.6 triệu tấn/năm ở Pennsylvania và nhà máy PE công suất 1.3 triệu tấn/năm của Gulf Coast Development Ventures’ (GCGV) ở Corpus Christi bắt đầu hoạt động vào năm ngoái, đã khuyến khích người bán PE ở Hoa Kỳ thăm dò lại thị trường xuất khẩu. Họ đã xoay sở để làm được như vậy khi các thách thức về vận chuyển và chuỗi cung ứng giảm bớt, mặc dù giá cả và lợi nhuận ròng những thị trường này mang lại được cho là thấp hơn so với thị trường nội địa.

Dữ liệu ACC cho thấy nguồn tồn kho PE của Mỹ tăng mạnh

Theo dữ liệu của Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ (ACC), nguồn tồn kho PE đã có sự gia tăng đáng kể trong tháng 3, bất chấp bốn tình trạng bất khả kháng vẫn đang có hiệu lực. Mặc dù người bán ở Mỹ đã sử dụng "sự khan hiếm nguyên liệu" làm lý do để tăng giá cho thị trường nội địa vào tháng 3, song các nguồn tin thị trường cho biết vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến nguồn tồn kho cao và công suất vận hành tăng nếu thiếu nguyên liệu do tình trạng bất khả kháng.

3. Sự vắng mặt của PE từ Trung Đông tại Trung Quốc

Bên cạnh nguồn tồn kho trong nước tăng, nguồn cung PE từ Trung Đông tại Trung Quốc giảm cũng đings góp vào thái độ tích cực của người bán Mỹ tại Trung Quốc. Theo dữ liệu, tổng nhập khẩu PE của Trung Quốc từ Ả Rập Xê Út trong tháng 3 đã giảm 17% so với năm ngoái trong khi tổng nhập khẩu PE từ quốc gia này trong quý đầu tiên đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Liệu xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới hay không?

Mặc dù một số rủi ro tiềm ẩn có thể phá vỡ xu hướng này, chẳng hạn như chuỗi cung ứng chịu bất kỳ gián đoạn nào hoặc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, song xu hướng này có khả năng sẽ duy trì trong thời gian tới. Kỳ vọng nhu cầu cao hơn đối với PE ở Trung Quốc – nơi tiêu thụ PE lớn nhất thế giới – tạo động lực mạnh mẽ cho người bán ở Mỹ tiếp tục chú ý đến khu vực này. Tồn kho cao tại Mỹ, cùng với việc sắp khởi động nhà máy PE mới của Baystar, có khả năng rằng xu hướng tăng nguồn cung PE của Mỹ cho thị trường châu Á sẽ tiếp tục trong những tháng tới.

 

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)