Thưa ông, SABIC vừa hợp tác với HHI để sản xuất thành công hạt nhựa tái sinh tuần hoàn từ rác nhựa đại dương không cần phân loại với công nghệ tái sinh tuần hoàn tiên tiến đầu tiên được cấp tiêu chuẩn trên thế giới. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự hợp tác này?
Tính bền vững là động lực cốt lõi thúc đẩy hoạt động kinh doanh của SABIC, vì vậy chúng tôi liên tục hợp tác với các doanh nghiệp và tập đoàn có cùng chí hướng để tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn và xóa bỏ rác thải trong toàn chuỗi giá trị, đối với cả thượng nguồn (khâu đầu) và hạ nguồn (khâu cuối). Để giúp giải quyết vấn đề cấp thiết về việc rác thải nhựa xâm lấn vào các đại dương của chúng ta, từ năm 2021, SABIC đã bắt đầu hợp tác với công ty tái chế nhựa HHI có trụ sở tại Malaysia. Với mạng lưới rộng lớn trong hoạt động thu gom rác nhựa đại dương, chúng tôi cùng nhau tạo ra các loại nhựa po-ly-me tái sinh tuần hoàn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn, sản xuất nhờ công nghệ tái chế nhựa đại dương (Ocean Bound Plastic - OBP) tiên tiến. Với sự hợp tác này, chúng tôi có thể gia tăng đáng kể quy mô sản xuất nhiều loại vật liệu bền vững hơn, bao gồm cả các sản phẩm được sản xuất từ vật liệu đại dương tái chế, vì lợi ích của khách hàng, xã hội và môi trường.
Việc sản xuất nhựa tái sinh tuần hoàn từ rác thải nhựa đại dương có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động kinh doanh của SABIC, cũng như đối với việc bảo vệ môi trường, thưa ông?
Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (ICUN), mỗi năm, có hơn 14 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ vào các đại dương trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á. Chỉ riêng tại Việt Nam, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ước tính có khoảng 730.000 tấn chất thải nhựa rò rỉ ra đại dương mỗi năm. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong việc hiện thực hóa một nền kinh tế tuần hoàn trong khu vực. Để giúp giải quyết vấn đề này, chúng tôi cam kết phát triển các giải pháp lâu dài thông qua các liên minh tại địa phương và trên toàn cầu để đóng góp vào việc sản xuất các vật liệu bền vững hơn. Chẳng hạn, hợp tác với HHI. Đây là một bước đi tiên phong để tạo ra các hạt nhựa tái sinh tuần hoàn đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn, được sản xuất thông qua công nghệ tái chế rác nhựa đại dương. Tại SABIC, chúng tôi luôn tìm cách tối đa hóa giá trị của nhựa tái chế và đóng góp cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn, đồng thời, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng.
Các sản phẩm dân dụng đầu tiên được sản xuất bằng loại hạt nhựa tái sinh tuần hoàn của SABIC từ rác nhựa đại dương sắp được công bố. Kế hoạch sản xuất - kinh doanh các sản phẩm này tại thị trường Việt Nam ra sao?
Các loại nhựa po-ly-me tuần hoàn có chứng chỉ được sản xuất từ rác nhựa đại dương của SABIC có thể được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành sản xuất khác nhau, bao gồm cả sản xuất bao bì thực phẩm, vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm và y tế. Các loại nhựa hóa dẻo tuần hoàn đầu tiên sản xuất từ nhựa đại dương được cấp chứng chỉ đã được đưa ra thị trường và đang được khách hàng của SABIC sử dụng trong sản xuất cùng với rất nhiều kế hoạch giới thiệu sản phẩm. Thông tin chi tiết sẽ được chúng tôi chia sẻ thêm trong thời gian tới. Năm ngoái, để giúp thúc đẩy việc sử dụng rác thải nhựa đại dương tái chế, chúng tôi đã hợp tác với Tập đoàn Microsoft và HHI để tạo ra sản phẩm điện tử tiêu dùng đầu tiên của Microsoft - Chuột nhựa đại dương - với lớp vỏ bên ngoài chứa 20% nhựa đại dương tái chế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tổ chức và khách hàng có cùng chí hướng trong chuỗi giá trị để tái chế rác thải nhựa tại những vùng chất thải nhựa có nguy cơ xâm nhập vào sông ngòi và đại dương của chúng ta.
Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề quản lý rác thải nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn đang được coi trọng. Đã có những kế hoạch hợp tác công - tư để thúc đẩy vấn đề này. SABIC sẽ chung tay với Việt Nam để thực hiện chiến lược này như thế nào?
Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và khách hàng trong chuỗi giá trị ở Việt Nam cũng như trong khu vực để tái chế rác thải nhựa có nguy cơ xâm nhập sông ngòi và đại dương của chúng ta. Quá trình hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi cũng đã có nhiều sự hợp tác tích cực với các khách hàng. Chẳng hạn, chúng tôi đã hợp tác với một khách hàng Việt Nam để nghiên cứu, phát triển ra loại túi đa lớp chứa nước có thể trữ nước ngọt nhằm phục vụ mục đích canh tác và sinh hoạt. Mỗi túi chứa lớn này có thể chứa tới 30.000L nước ngọt và giúp người dân có thể tiếp cận với nguồn nước ngọt trong những mùa khô. Chúng tôi cũng đã hợp tác chặt chẽ với một khách hàng tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu cho giải pháp đóng gói chống xuyên thủng, tạo điều kiện bảo quản trái cây tốt hơn trong quá trình vận chuyển và tồn trữ, đồng thời duy trì độ tươi ngon của trái cây. Giải pháp này đã giúp giảm thiểu thiệt hại đáng kể trong khâu vận chuyển và giảm tỷ lệ từ chối nhận hàng lên đến 20%, do đó, giúp giảm lãng phí thực phẩm. Để phát triển cả một hệ thống tái chế tuần hoàn không phải là một việc dễ dàng. Chúng tôi cam kết phát triển các giải pháp dài hạn và hợp tác với các tổ chức cùng chí hướng để nâng cấp một cách đáng kể hoạt động sản xuất các vật liệu bền vững, bao gồm cả sản xuất nhựa tái chế đại dương, vì lợi ích của khách hàng, xã hội và môi trường của chúng ta.
(Theo www.vpas.vn)
- Thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa(02/05/2024)
- Người mua châu Âu chuyển sang sử dụng PET nguyên sinh khi giá R-PET Flakes tăng cao(02/05/2024)
- Hong Kong (Trung Quốc) cấm đồ bằng nhựa dùng một lần từ 22/4(02/05/2024)
- Cuộc chiến tái chế rác thải nhựa ở Indonesia(02/05/2024)
- CHINAPLAS 2024 -Triển lãm Quốc tế lần thứ 36 về Công nghiệp Nhựa và Cao su(03/05/2024)
- Chung tay hành động thúc đẩy sản phẩm tái chế(20/05/2024)
- Nhựa HDPE có thể tái sử dụng được không(20/05/2024)
- Hướng dẫn mọi người cách phân loại rác thải nhựa (20/05/2024)
- Thời hạn dừng sản xuất, nhập khẩu nhựa dùng một lần(03/06/2024)
- Vì sao Mỹ quyết liệt cấm chai, túi, thìa dĩa nhựa tại các công viên?(03/06/2024)
- Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn sản xuất thành công nhiều sản phẩm nhựa hữu ích và thân thiện môi trường(03/06/2024)
- Rác thải nhựa đại dương và những con số biết nói(17/06/2024)