Quản lý rác thải nhựa, tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Quản lý rác thải nhựa, tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp
18/07/2023 - 08:07:36 AM | 2161
Quản lý rác thải nhựa hiệu quả để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là sự dịch chuyển tất yếu. Bên cạnh những đóng góp về môi trường, chiến lược này còn tạo nên động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Một trong những doanh nghiệp minh chứng cho điều này chính là Unilever. Nhiều năm qua, chiến lược quản lý rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn đã được doanh nghiệp này tiên phong thúc đẩy tại Việt Nam, xoay quanh các giải pháp chính bao gồm: phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa, và phát triển bao bì bền vững cũng như cắt giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, tăng cường nhựa tái chế PCR.

"Nạp nhiên liệu" cho sự tăng trưởng

Chiến lược quản lý rác thải tại Unilever qua thời gian càng cho thấy những tác động toàn diện lên nhiều khía cạnh của hoạt động kinh doanh.

Đầu tiên, việc đưa nhựa PCR vào sản xuất bao bì thôi thúc Unilever và các nhãn hàng đối mặt và giải quyết các thách thức về mặt kỹ thuật để khôi phục chất lượng màu sắc, hình dáng nhựa… sao cho phù hợp với yêu cầu thiết kế, các thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn mới cho bao bì nhựa PCR.

Hiện nay, các sản phẩm của Unilever như Dove, Lifebuoy, Sunsilk, Comfort…khi sử dụng nhựa PCR trong bao bì, nhất là với các nhãn hàng Sunlight, Lux và Love Beauty & Planet với bao bì được làm từ 100% nhựa tái sinh, vẫn đảm bảo được công năng sản phẩm và yếu tố thẩm mỹ.


Bao bì Sunlight được sản xuất từ nhựa PCR 100% (Ảnh: Unilever).

Thứ hai, chiến lược quản lý nhựa là động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Cụ thể, Unilever cần phát triển, ứng dụng công nghệ và đổi mới để cải tiến bao bì theo hướng gia tăng khả năng tái chế để có thể quay về phục vụ cho quá trình tái chế, tái sử dụng về sau.

Hay để thực hiện mục tiêu cắt giảm nhựa nguyên sinh, doanh nghiệp này cần tái thiết kế hoặc cải tiến danh mục sản phẩm. Tiêu biểu như viên giặt OMO được ứng dụng công nghệ nén và cô đặc, giúp giảm lượng nhựa sản xuất bao bì nhưng vẫn đảm bảo khả năng giặt sạch sâu, lưu hương lâu và bảo vệ quần áo một cách tối ưu với công nghệ Carezyme, đồng thời giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và chi phí điện nước cho giặt giũ nhờ công thức giặt sạch sâu và tạo bọt ít.


Viên giặt OMO được ứng dụng công nghệ nén và cô đặc, giúp giảm lượng nhựa sản xuất bao bì nhưng vẫn đảm bảo được tính năng sản phẩm (Ảnh: Unilever).

Thứ ba, việc thực hiện quản lý rác thải nhựa hiệu quả cũng là yếu tố đưa Unilever đón đầu xu thế tiêu dùng. Nghiên cứu "Balancing Sustainability and Profitability" của IBM IBV đã cho thấy 49% người tiêu dùng nói rằng họ trả thêm trung bình 59% cho các sản phẩm mang nhãn hiệu bền vững hoặc có trách nhiệm xã hội. Không những vậy, có đến 77% người tham gia khảo sát cho biết họ mong muốn đưa ra những lựa chọn bền vững hơn tại nhà.

Nỗ lực quản lý nhựa bền vững giờ đây đã trở thành "điểm cộng" rõ nét, đưa Unilever hòa nhịp đồng điệu cùng xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng. Các nhãn hàng thực hiện những hoạt động phát triển bền vững nói chung và quản lý nhựa nói riêng đều có tỷ lệ tăng trưởng kinh doanh tốt hơn những nhãn hàng không thực hiện.

Đồng thời, nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng có đến 2/3 số người tham gia khảo sát mong muốn được làm việc cho các tổ chức có tính bền vững. Cùng với chính sách nhân lực và môi trường công việc hấp dẫn, theo Unilever, chính tầm nhìn bền vững và trách nhiệm xã hội cũng là các yếu tố đưa thương hiệu trở thành "miền đất lành" thu hút nhân lực tiềm năng.


Văn phòng Unilever Việt Nam (Ảnh: Unilever).

Bảo vệ môi trường và thúc đẩy hợp tác

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ - EPA, ngoại trừ nhựa PET, trung bình quá trình sản xuất một tấn nhựa từ vật liệu nguyên sinh sẽ hình thành khoảng 5 tấn CO2 thải ra môi trường.

Vì vậy, chiến lược quản lý rác thải nhựa kết hợp giữa thu gom, tái chế và cắt giảm vật liệu nhựa nguyên sinh của Unilever không những trực tiếp góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa mà còn giúp giảm phát thải CO2 gây biến đổi khí hậu.

Có thể nói, một chiến lược bền vững hơn trong tương lai sẽ được triển khai từ những bước chuyển đổi nhỏ nhất và với sự hợp tác của nhiều bên từ khối công đến khối tư. Chương trình hợp tác "Phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình Kinh tế tuần hoàn" hướng tới mục tiêu tăng cường công tác quản lý và xử lý chất thải nhựa hiệu quả mà Unilever Việt Nam vừa ký kết cùng UBND quận 7, TPHCM là ví dụ cụ thể.


Đại diện Unilever Việt Nam và UBND Quận 7 ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác "Phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình Kinh tế tuần hoàn" (Ảnh: Unilever).

Hợp tác không chỉ kêu gọi sự tham gia của người dân, cộng đồng địa phương, các cơ quan ban ngành, các tổ chức phi chính phủ... trong thực hiện và thúc đẩy việc phân loại rác nhựa tại nguồn; mà còn có sự phối hợp của các đơn vị thu gom, đội ngũ lao động ve chai tự do, các nhà tái chế, nhà sản xuất, và nhà phân phối để tạo nên một vòng tuần hoàn nhựa thực sự và bền vững.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)