Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh của NASA để theo dõi chuyển động của vi nhựa, những mẩu nhựa có đường kính chưa tới 5 mm. Đồ họa của họ cho thấy mật độ vi nhựa cao ở Biển Đông và vịnh Thái Lan cũng như vùng ven biển phía tây Trung Mỹ.
Nhựa đổ ra sông hoặc bị thủy triều cuốn trôi ở bãi biển luân chuyển theo dòng hải lưu trước khi lênh đênh giữa biển rộng. Những đồ vật bằng nhựa phân hủy bởi sóng và ánh sáng Mặt Trời thành vi nhựa cực nhỏ, có thể khiến động vật biển tưởng nhầm là thức ăn. Cuối cùng, rác thải nhựa tập trung ở trung tâm các bồn trũng đại dương hoặc vòng hải lưu cận nhiệt đới, hệ thống dòng hải lưu xoay tròn lớn ở 5 đại dương. Năm vòng hải lưu cận nhiệt đới trên thế giới chứa nhiều đảo rác, bao gồm rác thải nhựa, dây câu và nhiều mảnh vụn khác. Đảo rác lớn Thái Bình Dương nằm giữa California và Hawaii nổi tiếng nhất do có nhiều tàu bè đi qua.
Khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ từ những dòng sông và bãi biển ra đại dương mỗi năm, theo NASA. Đồ họa tạo bởi các nhà nghiên cứu ở Đại học Michigan được mô tả chi tiết trên tạp chí IEEE Xplore. "Mật độ vi nhựa ở đại dương thay đổi tùy địa điểm, đặc biệt cao ở vòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương. Chúng tôi đã phát triển một phương pháp mới giúp phát hiện và chụp ảnh sự phân bố vi nhựa ở đại dương trên toàn cầu từ không gian", nhóm nghiên cứu cho biết.
Đồ họa thể hiện vị trí và mật độ nhựa trôi nổi từ tháng 4/2017 đến tháng 9/2018. Mật độ vi nhựa có sự thay đổi theo mùa. Ví dụ, ở đảo rác lớn Thái Bình Dương, mật độ vi nhựa dường như cao hơn vào mùa hè và thấp hơn vào mùa đông. Điều này nhiều khả năng do quá trình "pha trộn dọc" của đại dương khi nhiệt độ thấp hơn. Đây là chuyển động lên xuống của không khí hoặc nước biển, xảy ra do chênh lệch nhiệt độ giữa các lớp nước. Các nhà khoa học ước tính lượng rác ở những đảo rác trên biển thông qua kéo lưới sau tàu. Tuy nhiên, phương pháp lấy mẫu vật này không cho biết mật độ nhựa thay đổi như thế nào theo thời gian. Vì vậy, nhóm nghiên cứu ở Đại học Michigan phát triển một phương pháp mới để lập bản đồ mật độ vi nhựa ở biển trên khắp thế giới. Họ sử dụng dữ liệu từ 8 vi vệ tinh thuộc Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Cyclone (CYGNSS).
Dự án CYGNSS trị giá 157 triệu USD phóng vào năm 2016 chủ yếu nhằm cải thiện dự báo bão. Tín hiệu vô tuyến từ vệ tinh GPS phản xạ từ mặt biển và vệ tinh CYGNSS phát hiện sự phản xạ đó. Sau đó, nhóm nghiên cứu có thể phân tích tín hiệu để đo độ biến động của mặt biển. Kết quả đo cung cấp cho họ phương tiện tính toán tốc độ gió và nghiên cứu bão, nhưng tín hiệu cũng hé lộ sự tồn tại của nhựa. Khi có nhựa hoặc mảnh vỡ gần mặt biển, mặt biển ít động hơn. Phương pháp mới cho phép theo dõi vi nhựa trong đại dương và hỗ trợ phát triển mô hình tương lai.
(Theo https://vpas.vn/, https://www.dailymail.co.uk/)
- Thúc đẩy công nghệ tái chế chất thải nhựa tiến tới mục tiêu thực hiện nền kinh tế tuần hoàn(20/05/2023)
- Liên Hiệp quốc: Thế giới có thể cắt giảm 80% ô nhiễm nhựa vào năm 2040(20/05/2023)
- Châu Á cần thức tỉnh trong vấn đề ô nhiễm nhựa trên biển(20/05/2023)
- Tái sử dụng là biện pháp hiệu quả nhất giúp giảm ô nhiễm nhựa(20/05/2023)
- Nguyên liệu bơ sữa Hoa Kỳ: lợi thế cho sự đổi mới và phát triển bền vững(20/05/2023)
- Kết hợp điện mặt trời với sản xuất nông nghiệp, triển vọng phát triển của năng lượng Việt Nam(20/05/2023)
- Thị trường vật liệu in 3D tăng vọt gần 26% mỗi năm(20/05/2023)
- Tái chế rác thành phân vi sinh và hạt nhựa(20/05/2023)
- Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp(20/05/2023)
- Có nên uống nước nóng trong cốc nhựa dùng một lần?(20/05/2023)
- Đề xuất nhiều giải pháp về chi phí tái chế (27/06/2023)
- Nhận biết các loại nhựa và khả năng tái chế chúng(29/06/2023)