Virus gây bệnh Covid-19: SARS-CoV-2
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 là loài vi sinh vật thuộc họ Coronavirus. Họ virus này gồm nhiều chủng gây viêm mũi họng cấp nhẹ (cảm thường) ở người và động vật. Tuy nhiên, chủng SARS-CoV-2 được nghi ngờ có nguồn gốc từ virus corona trên động vật hoang dã đã biến đổi để lây truyền sang người. Hiện nay, chúng ta chưa tìm ra được nguồn gốc của virus để có biện pháp phòng tránh lây nhiễm triệt để từ động vật sang người.
Virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan thần tốc. Chỉ số lây truyền của virus trong thời gian đầu là 2.2-2.7 (tức một người sẽ lây cho 2-3 người xung quanh). Tuy nhiên, bản thân virus đã biến đổi, thích nghi nhanh chóng và tạo ra các biến chủng siêu lây nhiễm như B.1.1.7 ở Anh, B.1.351 ở Nam Phi…khiến khả năng lan truyền Covid-19 tăng đáng kể lên tới 5.7, tức là mỗi người nhiễm virus có thể truyền bệnh cho 5-6 người. Cùng so sánh với bệnh do virus cúm, một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp phổ biến khác, chỉ số lây truyền chỉ là 1.4-1.8 (tối đa tới 2.8 trong đại dịch), thấp hơn nhiều so với coronavirus. Khả năng lây lan của SARS-CoV-2 thực sự rất kinh hoàng nếu không có các biện pháp kiểm soát, phong toả.
Virus lây truyền theo giọt bắn đường hô hấp khi ta nói, hắt hơi, ho, khạc đờm… Một số nghiên cứu còn phát hiện virus tồn tại rất lâu đến vài ngày trong môi trường, trên đồ dùng, thực phẩm… đặc biệt trong điều kiện thời tiết lạnh khô. Những người tiếp xúc với người bệnh trong khoảng cách dưới 2m là đối tượng nguy cơ cao có thể lây nhiễm Covid-19.
Virus tấn công vào nhiều cơ quan của cơ thể, bao gồm hệ hô hấp, tim mạch, hệ thống tế bào máu, hệ miễn dịch… Chức năng các cơ quan sẽ suy yếu dần, khiến cơ thể suy nhược, gia tăng nguy cơ nhiễm đồng thời vi khuẩn, nấm và sinh vật gây bệnh khác. Cuối cùng, người bệnh sẽ tử vong do suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy kiệt do không thể hấp thu dinh dưỡng và suy đa phủ tạng (gan, thận, tim mạch…).
Những triệu chứng khi mắc Covid-19
Triệu chứng bệnh Covid-19 có 5 mức độ biểu hiện:
- Hai mức độ nhẹ nhất: là không có triệu chứng (người bệnh chỉ phát hiện được qua xét nghiệm khẳng định mà không có biểu hiện gì); và triệu chứng nhẹ (có một vài triệu chứng nhẹ như sốt 37.5-380C, ho khan, đau họng, đau mỏi người, tiêu chảy, mất vị giác… mà chưa có biểu hiện thở gấp, khó thở hay có tổn thương trên phim chụp phổi). Hai nhóm này chiếm khoảng 80% ca bệnh Covid-19, thường không yêu cầu điều trị đặc biệt và tự phục hồi sau 1 tuần.
- Triệu chứng trung bình: các triệu chứng thường kéo dài, bệnh nhân có vài biểu hiện thở nhanh, mệt hơn, hụt hơi, có tổn thương phổi trên phim chụp, nhưng độ bão hoà oxy máu còn ≥ 94%. Nhóm này cần theo dõi sát các dấu hiệu chuyển nặng lên, dùng thuốc kháng virus và thuốc điều trị đặc hiệu khác. Tỷ lệ gặp khoảng 14%.
- Triệu chứng nặng: những bệnh nhân nhóm này biểu hiện khó thở rõ rệt, bão hoà oxy máu giảm < 94%, số nhịp thở nhanh > 30 lần/phút, tổn thương phổi lan toả đến 50% nhu mô phổi. Nhóm này chiếm 5% số ca bệnh.
- Triệu chứng nguy kịch: bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy chức năng các cơ quan (tim, gan, thận…). Khoảng 1% số ca Covid-19 thuộc nhóm này và cũng có nguy cơ tử vong cao.
Tỷ lệ tử vong do bệnh Covid-19 hiện là 5%. Người trên 60 tuổi và có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, béo phì, ung thư, bệnh suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai… là những đối tượng dễ tiến triển nặng và tử vong. Covid-19 ở trẻ em thường nhẹ, ít khi tiến triển nặng so với người lớn, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu trẻ suy dinh dưỡng, có bệnh suy giảm miễn dịch.
Chúng ta nên làm gì?
Thời gian theo dõi và điều trị bệnh nhân Covid-19 thường kéo dài. Bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng virus, thuốc điều trị triệu chứng và quan trọng là đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Bệnh tiến triển nặng nhất sau 7-8 ngày nhiễm virus, nếu không được hỗ trợ đặc biệt có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong rất nhanh chóng. Thời gian phục hồi dù không có biến chứng khoảng 7-10 ngày. Nhiều bệnh nhân có những di chứng kéo dài nhiều tháng sau khỏi bệnh, như chóng mệt, dễ thở gấp, mất tập trung… ảnh hưởng đến chất lượng sống và sức khỏe.
Dù khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước của Việt Nam ta rất tốt, nhưng không vì thế mà lơ là, chủ quan không phòng lây nhiễm cho bản thân. Bệnh có thể đến với bất cứ ai, ảnh hưởng cho cả ta và những người xung quanh. Hãy tuân thủ khẩu hiệu 5K phòng dịch của Bộ Y Tế và cập nhật tin tức về Covid-19 thường xuyên, để đảm bảo an toàn cho bạn và người thân.
(Nguồn: internet)
- Lịch sử phát triển của nhựa(24/01/2021)
- Cậu bé 12 tuổi và phát minh máy lọc chất thải nhựa dưới đại dương(24/01/2021)
- 50 mẹo giúp ít sử dụng nhựa hơn(31/01/2021)
- Những kỷ lục khoa học mới được xác lập trong năm 2020(07/02/2021)
- Siêu vật liệu mềm dẻo nhưng lại có độ bền gấp 5 lần gang thép(07/02/2021)
- Đá Moissanite - Vật liệu tuyệt với có thể thay thế kim cương(21/02/2021)
- Nhìn lại 10 năm ngành may mặc Việt Nam và sự phát triển trong năm 2021(21/02/2021)
- Cách nhận biết nhựa có độc không(06/03/2021)
- Vật chất đắt nhất thế giới(21/03/2021)
- Chai nhựa - sát thủ vô hình trong thời tiền sử(28/03/2021)
- Một số điều thú vị về balo chống gù(11/04/2021)
- Một số điều bạn nên biết về túi giữ nhiệt(11/04/2021)