Nhìn tổng quan về ngành nhựa Việt Nam

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Nhìn tổng quan về ngành nhựa Việt Nam
22/08/2021 - 12:08:28 PM | 8369
Dù có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành Nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, trong khi đó lại không chủ động được hoàn toàn nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ngành công nghiệp Nhựa dù còn non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác như cơ khí, điện - điện tử, hoá chất, dệt may… nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ngành Nhựa giai đoạn 2010 – 2020, là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16% – 18% (chỉ sau ngành viễn thông và dệt may), có những mặt hàng tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%/năm. 

Với tốc độ phát triển nhanh, ngành Nhựa đang được coi là một ngành năng động trong nền kinh tế Việt Nam. Sự tăng trưởng đó xuất phát từ thị trường rộng, tiềm năng lớn và đặc biệt là vì ngành nhựa Việt Nam mới chỉ ở bước đầu của sự phát triển so với thế giới và sản phẩm nhựa được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống bao gồm sản phẩm bao bì nhựa, sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng, sản phẩm nhựa gia dụng và sản phẩm nhựa kỹ thuật cao.

Hiện nay, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang có mặt tại gần 160 nước. Thị trường xuất khẩu truyền thống của các công ty nhựa Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, một số nước thuộc khu vực Châu Âu (Đức, Hà Lan…) và ASEAN (Campuchia, Indonesia, Philippine…). Gần đây, Hàn Quốc đã trở thành một thị trường xuất khẩu lớn mới của các nhà xuất khẩu nhựa Việt Nam.

Thói quen ưa chuộng sử dụng sản phẩm nhựa trong cuộc sống thường ngày của người Việt, đặc biệt là các loại bao bì nhựa, nên, nhu cầu sử dụng nhựa của Việt Nam tương đối cao.

Với mức tăng trưởng kinh tế ổn định (ở mức cao so với mặt bằng chung thế giới), đặc biệt nhu cầu ngành xây dựng, hạ tầng, tiêu dùng cũng như thu nhập bình quân đầu người gia tăng (cùng với đó là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu khiến nhu cầu mua sắm gia tăng) sẽ là động lực chính cho đầu ra ngành công nghiệp nhựa trong nước.

Bên cạnh đó, các Hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã và đang ký kết như FTAs, và RCEP cũng là những yếu tố tích cực giúp cho sản phẩm nhựa Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang các thị trường khác. Đặc biệt, RCEP sẽ giúp các công ty Việt Nam mở rộng phạm vi khu vực nguồn nguyên liệu được đảm bảo yêu cầu quy tắc xuất xứ (nếu nguồn nguyên liệu sản xuất của các công ty Việt Nam được nhập từ 1 trong 16 nước như Australia, Newzealand, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước khu vực Đông Nam Á… đều đáp ứng quy tắc xuất xứ) để được hưởng ưu đãi giảm thuế xuất khẩu còn từ 0%-5%.

Hiện nay, các sản phẩm nhựa Việt Nam được chia làm 4 nhóm chính, gồm nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật.

 

1. Nhựa bao bì

Đây là dòng sản phẩm có giá trị gia tăng thấp nhưng lại chiếm tới 39% giá trị sản xuất và tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam. 

Ngành hàng tiêu dùng trong nước tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của dân cư gia tăng là yếu tố then chốt giúp ngành nhựa bao bì đảm bảo đầu ra vững chắc. Bao bì nhựa là một ngành giao nhau giữa hai ngành Nhựa và Bao bì. Ngành bao bì nhựa có thể được phân loại thành: Bao bì mềm, phục vụ chủ yếu cho ngành thực phẩm; Chai lọ nhựa đóng hộp phục vụ chủ yếu cho lĩnh vực nước giải khát; Bao bì cứng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Bao bì nhựa chiếm 460 trên tổng số 2.000 công ty nhựa trên toàn quốc, 66% giá trị xuất khẩu nhựa hàng năm của Việt Nam là nhựa bao bì.

Nhựa bao bì cũng là mặt hàng nhựa xuất khẩu chủ yếu của ngành nhựa Việt Nam, các thị trường chính bao gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, tuy có nhiều lợi thế về chi phí sản xuất thấp nhưng thị trường xuất khẩu túi, bao bì nhựa đang gặp một số khó khăn tuy nhiên chúng tôi đánh giá những trở ngại đó không quá ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nhựa bao bì trong nước.

Cụ thể: EU đã thông qua quy định về hạn chế sử dụng túi nhựa và xu hướng chuyển sang dùng các loại túi, bao bì tự phân hủy. Tuy nhiên hàng nhựa bao bì Việt Nam xuất sang châu Âu thường phải đáp ứng những yêu cầu chất lượng cao, chủ yếu là bao bì cao cấp và bao bì tự hủy, nên quy định này sẽ không quá ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của bao bì Việt Nam.

Bên cạnh đó, Mỹ vẫn tiếp tục kéo dài việc áp thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm túi, bao bì nhựa PE nhập khẩu từ Việt Nam (cùng với Việt Nam là các nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan và Thái Lan cũng chịu các mức thuế phạt thêm 5 năm nữa). Mỹ đã bắt đầu chương trình hạn chế này từ năm 2010 và tiếp tục gia hạn sau thời kỳ 5 năm lần đầu tiên kết thúc. Chúng tôi đánh giá việc Mỹ tiếp tục duy trì áp thuế như trên sẽ không tác động đột biến đối với xuất khẩu nhựa của Việt Nam do việc này đã diễn ra trong suốt 5 năm qua.

 

2. Nhựa vật liệu xây dựng:

Chiếm 14% giá trị sản xuất, bao gồm các sản phẩm như ống nước, khung cửa chính, cửa sổ. Nhờ thị trường bất động sản đang hồi phục và các hoạt động xây dựng dân dụng, hạ tầng gia tăng với nhiều dự án có quy mô lớn và vốn đầu tư cao, đặc biệt là các dự án về xây dựng nhà xưởng và cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp, hạ tầng giao thông, nâng cấp đường bộ… nên thị trường tiêu thụ VLXD được kỳ vọng sẽ được mở rộng mạnh mẽ với tiềm năng cao. 

Các yếu tố thúc đẩy phân khúc nhựa VLXD phát triển như: Thị trường bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn phục hồi; Kích thước cồng kềnh của các sản phẩm nhựa VLXD khiến vận chuyển khó khan do đó sản phẩm nhập ngoại kém cạnh tranh; Thị hiếu tiêu dùng đặc trưng là những lợi thế giúp các công ty sản xuất nhựa VLXD không chịu nhiều cạnh tranh từ các công ty nước ngoài; Theo Quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Công thương, ngành nhựa sẽ chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa VLXD và nhựa kỹ thuật có tính chất cơ lý đặc biệt chuyên dùng trong thi công công trình và hoạt động công nghiệp.

 

3. Nhựa gia dụng:

Chiếm khoảng 32% giá trị sản xuất, bao gồm các sản phẩm gia dụng như nội thất, tủ, đĩa, đồ chơi, và giầy dép. Các công ty trong nước chủ yếu tập trung sản xuất nhóm sản phẩm này, nhưng thường có biên lợi nhuận thấp, trong khi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tập trung ở phân khúc sản phẩm cao cấp, có giá trị và biên lợi nhuận cao.

Trong những năm gần đây, các sản phẩm nhựa gia dụng Việt Nam chiếm tới 90% thị phần nội địa và tập trung ở phân khúc bình dân. Tuy nhiên các công ty trong nước đang đánh giá thấp nhu cầu tiêu dùng hàng cao cấp trong nước và không có kế hoạch phát triển dòng sản phẩm cao cấp, phân khúc nhựa gia dụng cao cấp vẫn đang bị bỏ ngỏ. Kết quả là mảng nhựa gia dụng cao cấp bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh với những chiến lược bài bản như: hệ thống phân phối hiện đại (hệ thống các cửa hàng bán sản phẩm kết hợp với hợp tác cùng các siêu thị, trung tâm thương mại), đầu tư công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý xem trọng an toàn sức khỏe và phủ kín nhu cầu của người tiêu dùng.

 

4. Nhựa công nghệ cao:

Chiếm 9% giá trị sản xuất, bao gồm các sản phẩm như phụ tùng nhựa, dùng trong lắp ráp ô-tô, xe máy, thiết bị y tế và trang thiết bị dùng trong công nghiệp composite.

 

Đến nay toàn ngành Nhựa Việt Nam gồm khoảng hơn 2.000 công ty trải dài từ Bắc vào Nam và tập trung chủ yếu ở Tp.HCM (tại Tp.HCM chiếm hơn 84%) thuộc mọi thành phần kinh tế với hơn 99,8% là công ty tư nhân. Các công ty trong nước chiếm 85%, công ty nước ngoài tuy chỉ chiếm 15% về số lượng nhưng chiếm đến 40% về vốn đầu tư. Chính phủ dự báo sẽ thoái vốn khỏi nhiều công ty trong nước và dự kiến nhiều công ty nước ngoài sẽ tận dụng cơ hội này để mua lại một tỷ lệ lớn cổ phần chào bán, qua đó nâng tỷ lệ vốn góp trên thị trường lên khoảng 60%.

Dù có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành Nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, trong khi đó lại không chủ động được hoàn toàn nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất. Hiện nay mỗi năm ngành Nhựa cần khoảng 4.5-5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS, PVC… chưa kể hàng trăm loại hoá chất phụ trợ khác nhau, trong khi khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 1 triệu tấn nguyên liệu và hóa chất, phụ gia cho nhu cầu của ngành Nhựa Việt Nam.

Ngành Nhựa hiện nay mới chỉ chủ động được khoảng 20% nguyên liệu cũng như hóa chất phụ gia đầu vào. Nếu không sớm chủ động được nguồn nguyên liệu thì đây sẽ là một trở ngại lớn cho các công ty ngành Nhựa để có thể thực hiện sản xuất cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

 

Tình hình xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam

Hiện tại, các sản phẩm của nhựa Việt Nam đã có mặt tại 151 thị trường trên thế giới, kể cả những thị trường đòi hỏi chất lượng cao, tiêu chuẩn kỹ thuật tối ưu như Nhật Bản, Mỹ, EU.

Xuất khẩu nhựa của Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm những công ty FDI (chiếm 60% giá trị xuất khẩu toàn ngành), những công ty này sử dụng những công nghệ tiên tiến, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nước ngoài. Nhật Bản, EU và Mỹ là những thị trường xuất khẩu chính của ngành Nhựa Việt Nam, trong đó Nhật Bản vẫn giữ vị trí đầu tiên với tỷ trọng trên 20% giá trị xuất khẩu qua các năm. Những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của ngành nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn là bao bì túi nhựa, hoặc phụ kiện, linh kiện có giá trị gia tăng thấp.

Mặc dù triển vọng xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam được hỗ trợ tích cực bởi các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham giá như FTAs, RCEP nhưng ngành nhựa Việt Nam vẫn đối mặt với những hạn chế tới từ thị trường xuất khẩu khác như xu hướng chuyển dịch sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường tại châu Âu ngày một lan rộng trong khi Mỹ vẫn áp thuế chống phá giá lên mặt hàng túi nhựa PE nhập từ Việt Nam.

 

Những hạn chế cản trở phát triển công nghiệp nhựa

Nguyên liệu đầu vào chính của ngành nhựa là các bột nhựa và hạt nhựa PE, PP, PVC, PS và PET, được sản xuất chủ yếu từ dầu-khí-than. Trong đó 75%-80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa phải nhập khẩu do nguồn cung trong nước hiện nay chỉ có thể đáp ứng khoảng 1 triệu tấn nguyên phụ liệu (chủ yếu là nhựa PVC, PET và PP), đặc biệt thiếu nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh, công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển.

Chi phí cho nguyên liệu chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí của ngành nhựa. Tuy nhiên các công ty nhựa Việt Nam không thể chủ động nguồn cung cấp trong nước, phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu đầu vào. Tình trạng này dẫn đến việc các công ty nhựa phải duy trì tồn kho nguyên liệu lớn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn. Kéo theo đó là chi phí tài chính gia tăng, cộng thêm rủi ro về thay đổi tỷ giá và giá dầu thế giới. Hạn chế này là đặc điểm chung của cả ngành nhựa Việt Nam và khó có thể thay đổi trong vài năm tới.

Lượng lớn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu sẽ khiến các công ty xuất khẩu sản phẩm nhựa khó tận dụng được ưu đãi thuế do những quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, giá nhựa nguyên liệu nhập khẩu thường biến động tương ứng với thay đổi của giá dầu (nhất là thời gian vừa qua khi giá dầu tăng/giảm bất thường và khó dự báo), tạo nên những rủi ro về chi phí đầu vào và lỗ do chênh lệch tỷ giá USD/VND, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty nội địa. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ chỉ mới tập trung vào một số sản phẩm nhựa, chưa có cơ chế và chính sách hỗ trợ riêng cho toàn ngành.

Các sản phẩm nhựa Việt Nam hầu hết nằm ở phân khúc tầm thấp nên các công ty quy mô nhỏ và vừa (chiếm hơn 90% trong tổng số 2.000 công ty nhựa) thường ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại. Bên cạnh đó, các công ty vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do những hạn chế về tài sản đảm bảo, chi phí lãi vay cao… Chỉ có một số rất ít các công ty có quy mô sản xuất lớn chịu đầu tư chuyên sâu và có những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều này khiến sức cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường không lớn, đặc biệt là những sản phẩm nhựa gia dụng.

Thuế nhập khẩu đối với hạt nhựa PP đã tăng từ 1 lên 3% kể từ 01/01/2017. Hiện nay, tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu mà ngành công nghiệp nhựa Việt Nam từ nước ngoài lên tới 80% tổng nhu cầu cho chất dẻo nguyên liệu. Hạt nhựa PP là một trong hai nguyên liệu nhựa phải nhập khẩu nhiều nhất, việc tăng thuế nhập khẩu đối với hạt nhựa PP sẽ tác động không nhỏ tới chi phí đầu vào của các công ty sản xuất nhựa nói chung và đặc biệt là những công ty sản xuất nhựa bao bì có nguồn gốc PP.

 

(Theo https://moit.gov.vn/)