Người dùng sẽ chịu thiệt vì mức phí tái chế đối với doanh nghiệp cao bất hợp lý

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Người dùng sẽ chịu thiệt vì mức phí tái chế đối với doanh nghiệp cao bất hợp lý
07/09/2023 - 02:09:25 PM | 2360
Định mức chi phí tái chế các sản phẩm bao bì như lon, chai nhựa, bao bì giấy… ở mức cao có thể khiến giá thành nhiều sản phẩm nhu yếu như sữa hộp, nước giải khát đóng chai, thực phẩm đóng gói tăng cao.

14 hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam vừa ký chung văn bản góp ý đối với bản dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là Dự thảo).

 

Lo giá thành sản phẩm tăng vì định mức chi phí tái chế

 

Theo văn bản này, dự thảo quy định các mức mà doanh nghiệp sản xuất sẽ phải đóng góp để hỗ trợ các doanh nghiệp thu gom, xử lý và tái chế sản phẩm bao bì, vật liệu do mình làm ra.

 

Tuy nhiên, theo 14 hiệp hội ngành hàng, định mức chi phí tái chế (gọi tắt là Fs) trong dự thảo có nhiều mức cao bất hợp lý. Việc áp định mức chi phí tái chế cao là do các nghiên cứu tham vấn cho cơ quan chức năng trước khi soạn thảo chính sách có kết quả khác xa nhau, và độ chênh lệch lớn.

 

Việt Nam đề xuất áp dụng chính sách định mức chi phí tái chế đối với doanh nghiệp sản xuất từ năm 2024. Ảnh: T.L

 

Cụ thể, theo tài liệu thuyết minh đính kèm dự thảo, Fs được tính là giá trị trung bình giữa 2 kết quả gồm: Đề xuất của các chuyên gia hai tổ chức là Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Đề xuất của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam. Hai đề xuất này có sự khác nhau rất lớn về các chi phí cấu thành.

 

Ví dụ như, chi phí thu gom bao bì nhôm của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam ở mức 15.000 đồng/kg, cao gấp 10 lần so với kết quả khảo sát của IFC/WWF (chỉ ở mức 1.500 đồng/kg).

 

Chi phí thu gom ắc quy chì của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam ở mức 30.000 đồng/kg, cao gấp 6 lần chi phí của IFC/WWF (ở mức 5.000đồng/kg…)

 

Ngoài ra, theo 14 hiệp hội ngành hàng, việc áp định mức chi phí tái chế cao còn do các cơ quan soạn thảo chính sách Fs đề xuất chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.

 

Giá sữa đóng hộp có thể sẽ tăng nhẹ vì định mức chi phí tái chế. Ảnh: Trần Khánh

 

Công thức tính Fs hiện nay hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì. Theo đó, đối với vật liệu có giá trị thu hồi cao như sắt thép, nhôm, bao bì giấy, chai nhựa cứng…, doanh nghiệp tái chế các vật liệu này đều có lãi.

 

"Các vật liệu này đang tạo công ăn việc làm và lợi nhuận cho nhiều người lao động và doanh nghiệp tái chế. Do vậy, nếu yêu cầu nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế khi đơn vị tái chế đang có lãi là chưa hợp lý", văn bản của 14 hiệp hội ghi rõ.

 

Kết quả, nếu áp dụng theo các mức định mức tái chế theo dự thảo, giá thành nhiều sản phẩm sẽ tăng theo. Có thể kể đến như nước đóng chai PET 500 ml sẽ tăng 1,36%, sữa đóng bịch giấy tăng 0,2%, bia lon tăng 0,6%... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

 

Do đó, các Hiệp hội kiến nghị kiểm tra lại tính hợp lý của các số liệu trong các nghiên cứu, đồng thời, áp dụng hệ số 0 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế. Các vật liệu này bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, thiết bị điện - điện tử và phương tiện giao thông.

 

Cần ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế

 

EPR là Chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – một chương trình yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm của mình theo quy định pháp luật.

 

Doanh nghiệp sử dụng vật liệu, bao bì tái chế mong muốn có chính sách ưu đãi khi áp dụng định mức chi phí tái chế. Ảnh: Trần Khánh

 

Theo 14 hiệp hội ngành hàng, khái niệm EPR dù không mới tại Việt Nam, nhưng chưa từng có hướng dẫn chi tiết, và cũng chưa từng bắt buộc thực hiện.

 

Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên đưa EPR thành yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với doanh nghiệp. Tiếp đó, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và dự thảo Quyết định Fs là lần đầu tiên đưa ra hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

 

Do vậy, các Hiệp hội cho rằng, trong 2 năm đầu tiên thực hiện (2024-2025), chỉ nên tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt đối với doanh nghiệp (trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận).

 

Các Hiệp hội cũng cho rằng, cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp dùng bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Cụ thể, đối với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế, cần có chính sách áp dụng hệ số điều chỉnh Fs bằng 0, và được tính là doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm tái chế.

 

Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phụ thuộc vào nguồn vật liệu nguyên sinh trong sản xuất. Đồng thời, tạo đầu ra cho ngành tái chế và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành tái chế ở Việt Nam, mang tính quyết định trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

 

Ngoài ra, trong dự thảo hiện quy định, đối với một loại sản phẩm, bao bì, doanh nghiệp chỉ được phép chọn 1 trong 2 hình thức, gồm tự tái chế/thuê tái chế hoặc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

 

Các doanh nghiệp mong muốn được kết hợp cả 2 hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa: Trần Khánh

 

Trên thực tế, nhiều loại bao bì, sản phẩm hiện chưa có giải pháp tái chế hiệu quả, ví dụ như bao bì giấy hỗn hợp, pin lithium... Các doanh nghiệp vẫn đang tìm giải pháp tái chế phù hợp. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian để thử nghiệm.

 

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn được kết hợp cả 2 hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Việc này nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, tìm ra các giải pháp tái chế phù hợp đối với sản phẩm mình làm ra.

 

Trong khi đó, theo quy định trong dự thảo, từ đầu năm 2024, các doanh nghiệp sẽ phải tạm ứng một khoản đóng góp lớn (ước tính lên tới nhiều ngàn tỷ đồng) vào Quỹ Bảo vệ môi trường cho các sản phẩm dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong năm 2024.

 

Số tiền này sẽ nằm trong Quỹ đến cuối năm 2025 mới được giải ngân cho các hoạt động hỗ trợ tái chế theo chương trình EPR. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ngân hàng siết chặt cho vay, lãi suất cao như hiện nay, việc phải tạm ứng thêm một khoản là "khó chồng khó" cho doanh nghiệp.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)