Hạt nhựa siêu nhỏ có thể di chuyển theo dòng hải lưu cách xa điểm xâm nhập của chúng hàng trăm hoặc hàng nghìn dặm. Điều đó có thể gây hại cho sinh vật biển và hệ sinh thái biển. Đồng thời, các hạt vi nhựa cực kỳ khó được theo dõi và dọn dẹp.
Tuy nhiên, một phát hiện vào năm 2021 đã làm dấy lên hy vọng rằng, các vệ tinh có thể cung cấp mốc thời gian hằng ngày về nơi hạt vi nhựa xâm nhập vào nước, cách chúng di chuyển và nơi chúng có thể được thu thập. Từ đó, phục vụ cho các nỗ lực ngăn ngừa và làm sạch.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, dữ liệu do Hệ thống vệ tinh điều hướng toàn cầu Cyclone của NASA (CYGNSS) ghi lại cho thấy bề mặt phẳng lặng, ít sóng hơn ở các khu vực đại dương có chứa vi nhựa.
Trong thử nghiệm, nhóm đã sử dụng kỹ thuật này để phát hiện các vụ rò rỉ vi nhựa đáng ngờ ở cửa sông Dương Tử của Trung Quốc. Song, đến nay, nhóm nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về bản chất của mối quan hệ giữa hạt vi nhựa và độ phẳng lặng của bề mặt đại dương.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy, sự bất thường trong hoạt động của sóng không phải do bản thân nhựa gây ra mà do chất hoạt động bề mặt. Đó là xà phòng hoặc các hợp chất dầu thường được giải phóng cùng với vi hạt nhựa.
Chris Ruf - Giáo sư về Khoa học Khí hậu và Không gian, tác giả của nghiên cứu giải thích rằng, một công cụ theo dõi dựa trên vệ tinh sẽ là cải tiến lớn so với các phương pháp hiện tại.
Họ phát hiện, vi nhựa ảnh hưởng đến độ phẳng của bề mặt đại dương. Nồng độ của chúng phải cao hơn nhiều so với thông thường, ngay cả ở những khu vực ô nhiễm của đại dương.
Tuy nhiên, chất hoạt động bề mặt có tác dụng rõ rệt. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nước chứa nhiều chất hoạt động bề mặt cần nhiều gió hơn để tạo ra sóng có kích thước nhất định. Những sóng đó tiêu tan nhanh hơn so với ở nước sạch.
Theo Yulin Pan - trợ lý giáo sư, đồng tác giả bài báo, khám phá ban đầu này sẽ thúc đẩy nghiên cứu sâu hơn về cách thức các chất hoạt động bề mặt và vi nhựa tương tác trong đại dương.
“Chúng ta có thể thấy mối quan hệ giữa độ phẳng bề mặt và sự hiện diện của hạt vi nhựa cũng như chất hoạt động bề mặt. Mục tiêu bây giờ là hiểu mối quan hệ chính xác giữa chúng”, nhà nghiên cứu Pan cho biết.
Nhóm dự định sử dụng kết hợp lấy mẫu nước, quan sát vệ tinh và lập mô hình máy tính. Họ hy vọng sẽ phát triển một hệ thống có thể được sử dụng để phát hiện các hạt vi nhựa hiện có. Đồng thời, dự đoán cách chúng có thể di chuyển qua các tuyến đường thủy.
(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)