Không để Hiệp ước toàn cầu về nhựa đi vào bế tắc

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Không để Hiệp ước toàn cầu về nhựa đi vào bế tắc
26/12/2023 - 03:12:54 PM | 1343
Vòng đàm phán thứ ba về Hiệp ước ô nhiễm nhựa toàn cầu của Liên hợp quốc đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kế hoạch nào để thúc đẩy việc đàm phán, mặc dù phần lớn các quốc gia đều ủng hộ một hiệp ước có sức mạnh dựa trên các quy tắc toàn cầu. Vì vậy, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) kêu gọi các quốc gia hướng tới một Hiệp ước thực sự có ý nghĩa, đồng thời, kiên định và tự thực hiện quá trình này bằng cách thúc đẩy việc thu thập và chia sẻ thông tin trong vòng 5 tháng tới, trước khi Phiên đàm phán thứ tư diễn ra vào tháng 4/2024.

Mặc dù đại đa số các quốc gia sẵn sàng tiến tới một hiệp ước có sức mạnh và đầy tham vọng, nhưng một số quốc gia có nhiều lợi ích liên quan đến ngành hóa dầu đã sử dụng nhiều chiến thuật trì hoãn trong suốt một tuần diễn ra Phiên đàm phán, nhằm ngăn chặn những quyết định cuối cùng về việc thúc đẩy quá trình, hướng tới Phiên đàm phán thứ tư của Liên hợp quốc về ô nhiễm nhựa toàn cầu. Hiện tại sẽ không có nội dung làm việc chính thức nào được đưa ra trước phiên đàm phán tiếp theo, việc này trì hoãn các cuộc thảo luận về các biện pháp quan trọng có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa.

Ô nhiễm rác thải nhựa đáng báo động trên toàn cầu

Mỗi ngày, có hơn 30.000 tấn nhựa thất thoát ra đại dương. Trước sự phản đối liên tục của một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, WWF kêu gọi các quốc gia có tham vọng cao cần can đảm và sẵn sàng tiến tới phát triển một hiệp ước hiệu quả bất chấp sự phản đối từ những quốc gia này. Chỉ còn 5 tháng nữa, phiên đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Ottawa, Canada, các quốc gia cần sử dụng thời gian này một cách khôn ngoan và tập trung vào việc phát triển bộ quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý mà đa số chính phủ và nhiều doanh nghiệp hàng đầu đã và đang kêu gọi.

“Các nhà đàm phán được Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc giao nhiệm vụ xây dựng một hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa. Mỗi một phút trì hoãn là chúng ta để lại những “di sản” có hại cho thế hệ tương lai. Sẽ không dễ dàng nhưng chúng ta biết mình cần phải làm gì. Các quốc gia cần nhanh chóng xác định và thống nhất các quy tắc cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa này.” Eirik Lindebjerg - Giám đốc Chính sách Nhựa Toàn cầu của WWF cho biết.

“Rất nhiều quốc gia hiểu được mức độ cấp bách của vấn đề và sẵn sàng đưa chúng ta tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa. Trước những thách thức đang diễn ra, điều quan trọng là các quốc gia này phải tiếp tục thể hiện quyết tâm đấu tranh cho các biện pháp mạnh mẽ và ràng buộc về mặt pháp lý có thể tạo ra sự thay đổi lịch sử cần thiết để xóa bỏ những gì mà hàng thập kỷ thờ ơ và thiếu hiểu biết đã gây ra.”

Bất chấp sự cản trở của một số ít, phần lớn các quốc gia đều ủng hộ việc tiến tới một hiệp ước toàn diện và mạnh mẽ. Hơn 100 quốc gia ủng hộ lệnh cấm toàn cầu và loại bỏ dần các loại nhựa có hại và có thể thay thế được, đồng thời, 140 quốc gia muốn thiết lập các quy tắc ràng buộc toàn cầu thay vì một hiệp ước chỉ dựa trên các hành động tự nguyện mà một số quốc gia hiện đang thúc đẩy.

Thời gian qua, các nhà đàm phán, đặc biệt là những quốc gia đến từ các khu vực thu nhập thấp và trung bình bao gồm châu Phi, châu Mỹ Latinh và Quần đảo Thái Bình Dương, đã thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ và dẫn đầu trong việc đề xuất các quy định nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa. Các khu vực này đứng vững trước nhu cầu quản lý việc sản xuất và thiết kế không kiểm soát các vật liệu và sản phẩm nhựa hiện đang vượt quá năng lực quản lý của họ. WWF gần đây đã đưa ra một báo cáo cảnh báo về các chi phí thực sự của nhựa đối với môi trường, sức khỏe và kinh tế có thể cao gấp 10 lần đối với các nước thu nhập thấp, mặc dù lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người của họ ít hơn gần 3 lần so với các nước có thu nhập cao.

“Các đề xuất về biện pháp tự nguyện và tập trung nhất vào quản lý chất thải sẽ chỉ tiếp tục tăng thêm gánh nặng cho các quốc gia hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Một hiệp ước toàn cầu với các quy tắc ràng buộc nhằm loại bỏ và lưu thông nhựa một cách an toàn, cùng với sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ, là hy vọng lớn nhất về một sân chơi bình đẳng vốn rất cần thiết nếu chúng ta muốn giải quyết những thách thức mà con người và môi trường đang phải đối mặt tại các nước đang phát triển” Alice Ruhweza - Giám đốc cấp cao về Chính sách và Cam kết, WWF quốc tế cho biết.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)