Khởi nghiệp với hành trình tái chế rác thải

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Khởi nghiệp với hành trình tái chế rác thải
01/08/2023 - 10:08:14 AM | 2253
Tại nước ta, rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội khi mà tổng lượng rác thải tăng liên tục, trong khi cần rất nhiều thời gian để xử lý. Thế nhưng, thứ tưởng chừng là rác phải bỏ đi lại có thể trở thành một món đồ hữu dụng trong cuộc sống nếu như ta tái chế nó.

Đội ngũ của PlasticPeople. (Ảnh: cafebiz.vn)

Hiệp sĩ tái chế rác thải

Trong vài thập kỷ qua, thách thức về rác thải nhựa luôn là một trong những vấn nạn nhức nhối của cuộc khủng hoảng ô nhiễm toàn cầu, cùng với việc mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), cứ mỗi phút trôi qua, trên thế giới lại có 1 triệu chai nhựa được bán ra và mỗi năm có khoảng 5.000 tỉ túi ni lông được tiêu thụ. Từ những năm 1950 đến năm 2018, ước tính có khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất trên toàn thế giới. Dự báo đến năm 2050, có khoảng 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp hoặc xả thẳng ra đại dương.

Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng đã góp phần thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng cũng như gia tăng các nguồn thải. Tổng lượng rác thải hàng năm đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030.

Trước những con số nhức nhối trên nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng lên thực hiện nhiệm vụ tái chế rác thải - điều mà rất ít người làm. Trong đó phải kể đến PlasticPeople là một startup khá thú vị trong giới khởi nghiệp Việt về lĩnh vực tái chế rác thải. Điều đặc biệt là người sáng lập của PlasticPeople lại là hai người ngoại quốc có đam mê với rác thải tại Việt Nam.

Cách đây vài năm, Nestor Catalan (Tây Ban Nha) và Nano Morante (Argentina) đã đặt chân đến Việt Nam và gặp nhau ở một ý tưởng mang tên PlasticPeople khi nhìn thấy những núi rác. Lúc này, cả hai người đàn ông đều đang trên con đường thực hiện ước mơ của mình, Nano Morante với ước mơ từ thuở bé muốn thay đổi cả thế giới và làm điều gì đó khác biệt để kết nối mọi người đã gặp Nestor Catalan, người từ bỏ công việc trong ngành quảng cáo để đi nhiều nơi trên thế giới, với mong muốn sống cùng với đam mê.

Sự gặp gỡ định mệnh này đã mở ra con đường trở thành hiệp sĩ tái chế rác thải của hai người đàn ông ngoại quốc và là sự ra đời của PlasticPeople. Ý tưởng khởi đầu của PlasticPeople đó là tái chế rác thải nhựa từ các đầu mối thu gom “đắc lực” như ve chai hay thu nhận rác thải từ hộ gia đình, trường học… Với ý tưởng này nhiều người cho là “điên rồ” và “phi thực tế” nhưng Nano và Nesto không tự ti mà trái lại càng thôi thúc họ phải làm bằng được để chứng minh cho mọi người thấy sự sáng tạo không giới hạn của mình.

Khởi đầu với hai chiếc máy nung và ép nhựa, PlasticPeople đã tạo ra những tấm nhựa ép đầu tiên. “Cơ bản là chúng tôi lấy rác rồi phân loại từng loại. Để làm được điều này chúng tôi cần hiểu đặc tính của từng loại nhựa, chúng tôi cần biết loại nào có khả năng cứng hơn, loại nào an toàn hơn rồi sau đó mới nghiền nhỏ nhựa rồi trộn lại với nhau.

Đặt nhựa vào máy ép và chúng ta sẽ có một miếng ván”, Nano chia sẻ về quy trình sản xuất. Thoạt nhìn thành phẩm đầu tiên là những tấm ván nhỏ xinh bằng lòng bàn tay có hoa văn nổi vân đẹp mắt, họ không kiềm chế được niềm hãnh diện, hạnh phúc của mình. Với 1 tấn rác thải nhựa, PlasticPeople có thể tạo ra một tấm ván diện tích từ 15 - 20m2 và thời gian hoàn thành khoảng 1,5 ngày. Từ những tấm ván đó, PlasticPeople còn làm ra những thứ hữu dụng trong đời sống như một chiếc lót cốc, một hộp đựng đồ thìa, nĩa, chậu hoa; mặt bàn ghế; xây dựng nhà ở, thiết kế các tiểu công trình… và thậm chí là thùng đựng rác cũng được làm từ rác.

Theo thời gian, PlasticPeople không chỉ xử lý những chất liệu thông dụng mà còn thử sức mình ở những chất liệu khó nhằn hơn như vỏ bánh kẹo, hộp xốp, ống hút cho đến bao bì dư thừa từ các nhà máy. Dần dần quy mô của PlasticPeople cũng lớn dần lên, họ mở rộng mạng lưới nhân sự, cộng tác viên và dần hoàn thành quy mô truyền thông để tiến đến bước tự chủ nguồn nhiên liệu thô.

PlasticPeople có 3 nguồn thu gom rác thải chính. Một là từ các khách hàng, văn phòng, công ty, nhà máy,… Để công việc trở nên dễ dàng hơn, PlasticPeople hướng dẫn mọi người cách phân loại rác trước,sau đó chuyển đến và xử lý. Thứ hai thu mua từ các nguồn không chính thức như người thu gom rác thải - từ các khu tập kết rác thải. Nguồn thứ ba là người dân, PlasticPeople kêu gọi mọi người gửi rác và ngày càng có nhiều người gửi với hy vọng có thể giúp ích cho môi trường.

Tái chế 550 tấn rác thải

Dự án đầu tiên mà họ thực hiện là vào tháng 9/2019. Các sản phẩm của PlasticPeople hoàn toàn 100% từ nhựa tái chế, không thêm hoá chất hoặc keo phụ gia. Cho đến nay, sau hơn 3 năm, PlasticPeople đã xử lý 550 tấn rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng, nội thất. Dù so với lượng rác nhựa khổng lồ 1,8 triệu tấn/năm mà người Việt thải ra thì còn quá khiêm tốn. Nhưng đây đã là thành quả to lớn của một nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Hiện PlasticPeople hiện có 20 người với công xưởng duy nhất đang đặt ở TP HCM. Bên cạnh việc tái chế rác thải, PlasticPeople cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về rác nhựa với các trường học, doanh nghiệp, nhà máy, tổ chức, cộng đồng… để mời từng người dân trở thành một phần của giải pháp họ cung cấp. Hiện tại, thường xuyên có khoảng 400 gia đình tình nguyện gửi rác thải đã được phân loại từ nhà họ đến cho PlasticPeople.

Với cách này, PlasticPeople có thể thu được một nguồn nguyên liệu khá lớn và cũng trực tiếp giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường. Đồng thời PlasticPeople cũng đã giúp rất nhiều gia đình biết cách tái chế rác thải. Từ đó họ sẽ hướng dẫn và tạo ảnh hưởng tốt lên những đứa trẻ trong gia đình về chuyện phân loại - thu gom rác thải và sẽ ngày càng có nhiều người, nhiều thế hệ biết rằng “rác thải tái chế có thể làm những gì”.

Ngoài ra, ngay từ khi thành lập, PlasticPeople không chỉ giúp giải quyết vấn đề rác thải mà còn thực hiện song hành với các dự án xã hội với mục tiêu mục tiêu sẽ giúp đỡ người dân ở vùng lũ lụt... Đến nay, dự án đã xây ba nhà ở xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long và đang đặt mục tiêu xây hàng trăm ngôi nhà cho người dân ở vùng bị lũ lụt.

Theo lời Nano: “Vật liệu mà chúng tôi tạo ra làm từ nhựa nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi nước lũ. Ván nhựa có nhiều công dụng có thể dùng như làm ván lợp nhà, ván lợp các bức tường mà không lo bị ảnh hưởng. Chúng tôi luôn hướng tới việc giúp đỡ mọi người nhiều nhất có thể, vì vậy chúng tôi luôn muốn trao đổi với thật nhiều tổ chức trong và ngoài nước để giúp đỡ nhiều hơn cho người khác”.

Có thể thấy, PlasticPeople ra đời không chỉ với mục tiêu kinh doanh, nó còn là mục tiêu tác động lên xã hội, “giúp đỡ” môi trường và khiến trái đất này phát triển bền vững. Trong tương lai, PlasticPeople sẽ cố gắng vừa mang đến những giải pháp thiết kế, những sản phẩm hữu dụng được tái chế từ rác thải và vừa tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người thay đổi nhận thức để bảo vệ môi trường.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)