Làm thế nào để xử lý số rác nhựa này và biến nó thành nguồn lợi kinh tế cho Việt Nam là vấn đề lớn đặt ra khi chúng ta tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn.
Ngày 23-3, đại sứ quán các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện Ngày Bắc Âu 2023 với chủ đề: "Giải pháp xanh cho kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải: Bài học kinh nghiệm của Bắc Âu và đề xuất chính sách đối với Việt Nam".
Đây là lần thứ năm tọa đàm được tổ chức kể từ năm 2018. Các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra một số giải pháp đề xuất xây dựng kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.
Nguyên liệu mới cho xi măng
Tiến sĩ Kåre Helge Karstensen - chuyên gia cao cấp từ Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ Na Uy (SINTEF) - đưa ra ý tưởng sử dụng rác nhựa làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy xi măng.
Theo đó, các lò nung xi măng chuyên dụng sử dụng nguồn nhiệt cao có thể phân hủy các chất thải nguy hại, trong đó có nhựa. Từ đó, nếu có thể thay thế nguyên liệu than của nhà máy bằng nhựa thì sẽ không cần bỏ thêm hoặc bỏ rất ít chi phí cho loại nguyên liệu đầu vào. Tác động tích cực đi kèm là giảm lượng rác nhựa đổ ra đại dương thông qua hệ thống thoát nước.
Ông Helge Karstensen cho biết ngành công nghiệp xi măng ở Na Uy đã thay thế hơn 75% lượng than bằng các loại chất thải khác nhau.
Dự án "Biến rác thải nhựa đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn" (OPTOCE), do Na Uy tài trợ, đang nghiên cứu cách xử lý chất thải ở năm quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đây là các nước có mức tiêu thụ nhựa cao nhất thế giới, mỗi ngày thải ra khoảng 217.000 tấn rác nhựa.
Tiềm năng phát triển mô hình này ở Việt Nam là rất lớn với khoảng 86 lò nung tại 57 nhà máy xi măng. Việt Nam cũng là nước sản xuất xi măng lớn thứ tư thế giới, tới 108 triệu tấn/năm.
Mô hình dùng nhựa làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy xi măng đang được thử nghiệm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Rác thải nhựa của Nhà máy tái chế giấy Lee & Man được vận chuyển đến Nhà máy xi măng INSEE Hòn Chông.
Nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng. Hiện nay, rác thải nhựa mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có cơ chế, chính sách để quản lý và thu gom.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Karstensen cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng hành động để đạt được các mục tiêu quốc gia.
"Việt Nam cần huy động nhiều nguồn lực, cần sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn vì hiện tại dân số đã đạt 100 triệu người. Đây sẽ là áp lực về lương thực, nguồn nước, năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh", ông nói.
Nhiều kinh nghiệm từ Bắc Âu
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng đã chia sẻ các ý tưởng và mô hình tái chế mang tính đổi mới sáng tạo khác.
Ông Jan Agri, cố vấn Chương trình Đổi mới sáng tạo chiến lược Thụy Điển (RE:Source), chia sẻ khả năng tái chế pin, thực phẩm thành nguồn năng lượng sạch.
Ông Tim Forslund, chuyên gia Quỹ Đổi mới sáng tạo Phần Lan (Sitra), nói về mô hình "Vòng đời tiếp tục trong một vòng lặp mới" của Phần Lan. Mô hình nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế các chi tiết sử dụng một lần, kéo dài các dịch vụ bảo trì và sử dụng nguyên liệu thô một cách thông minh.
Trong khi đó, bà Helle Lis Soholt - CEO Công ty Gehl Architects đến từ Đan Mạch - cho rằng cần có quy hoạch đô thị bài bản, tính toán vị trí của các tòa nhà mới và khả năng tái sử dụng các công trình này.
Trả lời Tuổi Trẻ bên lề tọa đàm, ông Jan Agri cho rằng cần tăng thuế môi trường với các nguồn năng lượng hóa thạch để giúp năng lượng xanh đến được với nhiều người hơn.
"Cần có một chi phí cho xã hội khi nói đến vấn đề môi trường. Chi phí này cần được tính vào giá than, giá điện. Nếu có thể làm cho việc sử dụng than đá trở nên đắt đỏ hơn thì có thể thay đổi cán cân kinh tế", ông Agri phân tích.
Hoan nghênh quyết tâm xanh của Việt Nam
Tại tọa đàm, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Måwe, đánh giá quản lý rác thải có thể là một lĩnh vực Việt Nam được hưởng lợi. Bà Ann Måwe hoan nghênh các nỗ lực chuyển đổi xanh của Việt Nam thời gian qua, đề cập đến nhiều thỏa thuận đã được ký kết.
Việt Nam đã tham gia Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa và đặt mục tiêu giảm 75% rác nhựa đại dương vào năm 2030.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tuyên bố mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tiếp đó, Việt Nam cũng tham gia thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) trị giá 15,5 tỉ USD với nhóm G7.
(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)
- Recycling Open House 2022(24/12/2022)
- Các nhà nghiên cứu phát triển Polyester sinh học mạnh mẽ, bền bỉ(30/12/2022)
- 7 bằng sáng chế về bao bì nhựa cực kỳ hữu ích(06/01/2023)
- Công nghệ lai đơn giản, giá rẻ kết hợp với thép mạ kẽm và polyme(14/01/2023)
- Tin tức Máy in 3D “ăn” nhựa tái chế(09/05/2023)
- Cơ chế khuyến khích thu hồi, tái chế rác thải trong khai thác thủy sản(09/05/2023)
- Carlsberg ra mắt chai giấy PEF Barrier vào năm 2024(09/05/2023)
- Ai Cập biến hàng triệu túi nhựa thành gạch(09/05/2023)
- Việt Nam xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế vào Mỹ(09/05/2023)
- Tin tức Rác thải nhựa “chặn đường” phát triển du lịch(09/05/2023)
- Thu hút khách du lịch bằng thuyền du lịch sáng tạo từ rác nhựa(09/05/2023)
- Kỹ thuật theo dõi các hạt vi nhựa từ không gian(09/05/2023)