Đơn hàng đổ về Việt Nam
Quy mô sản xuất ngành nhựa ngày càng lớn nhờ hoạt động đầu tư mạnh mẽ của khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cùng xu hướng dịch chuyển sản xuất các dòng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất, đón nhiều đơn đặt hàng từ các thị trường nhập khẩu lớn.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, dẫu bị tác động tiêu cực của Covid-19, nhưng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam vẫn đạt 4,93 tỷ USD, tăng 34,9% so với năm 2020. Với mức tăng trưởng gần 35% (tương ứng tăng thêm gần 1,3 tỷ USD), là con số rất lớn so với tăng trưởng của nhiều ngành xuất khẩu khác. Nếu tính cả xuất khẩu nguyên liệu nhựa đạt 2,26 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2020, thì năm 2021, ngành nhựa đóng góp 7,19 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều tăng đơn đặt hàng nhập khẩu từ các nhà cung ứng Việt Nam. Trong đó, Mỹ nhập khẩu sản phẩm nhựa từ Việt Nam trị giá gần 1,85 tỷ USD, tăng 68,6%, chiếm 37,47% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa. Đứng thứ hai là Nhật Bản đạt 696,9 triệu USD, tăng 3,55% và chiếm tỷ trọng 14,13%, tiếp theo là khu vực ASEAN đạt 575,8 triệu USD, tăng 23,3%, thị trường EU đạt 557,7 triệu USD, tăng 21,7%.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, chuyên cung ứng các sản phẩm nhựa công nghiệp, hàng tiêu dùng và tự hủy sinh học xác nhận, dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch, nhưng doanh nghiệp có đầu ra khả quan. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, hiện Công ty đã có đơn hàng xuất khẩu liên tục, lấp đầy hết tháng 10/2022, đáng chú ý là đơn hàng khoảng 4.000 tấn đi thị trường châu Âu, với trị giá hơn 8 triệu USD. Ngoài ra, đơn hàng từ thị trường Mỹ trong năm 2022 cũng tăng rất nhiều. Nam Thái Sơn chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành nhựa đón nhận tín hiệu tích cực về đơn hàng xuất khẩu. Tập đoàn An Phát Holdings chuyên xuất khẩu các sản phẩm ngành nhựa như bao bì, nguyên liệu, sản phẩm nhựa sinh học phân hủy, sàn nhựa công nghệ cao cũng bội thu đơn hàng.
Tổng giá trị xuất khẩu của An Phát Holdings đạt trên 4.000 tỷ đồng, chiếm 98% tổng doanh thu. Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch An Phát Holdings cho biết, từ năm 2019 đến nay được xem là giai đoạn bứt phá của Tập đoàn khi sản lượng bao bì xuất khẩu đều đạt trên 10.000 tấn/năm, trong đó Mỹ là một thị trường lớn, chiếm hơn 10% doanh thu mảng sản xuất bao bì của Tập đoàn. Xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh, một số mặt hàng đáp ứng nhu cầu của người dân nước này trong xây dựng, sửa sang trang trí nhà cửa như tấm sàn nhựa, ván sàn nhựa, rèm treo cửa, linh kiện lắp đồ đạc trong nhà, xe cộ… Xuất khẩu sản phẩm túi nhựa công nghệ xanh tới thị trường EU cũng đạt kim ngạch cao và tăng trưởng mạnh nhờ các doanh nghiệp đã đón đầu xu hướng sản xuất sản phẩm xanh, với những sản phẩm túi nhựa sinh học, tự phân hủy, đáp ứng được nhu cầu bảo vệ môi trường của người dân các quốc gia này.
Triển vọng tích cực
Ngành nhựa Việt Nam đang được hưởng lợi từ nhu cầu dịch chuyển đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. Đầu tư mạnh cho sản xuất đến từ khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thời gian gần đây đã thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nhựa. Đầu năm 2022, An Phát Holdings động thổ Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT tại Hải Phòng. Đây là nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh đầu tiên tại Đông Nam Á, nằm trong danh mục dự án công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, có công suất 30.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng. Với tổng vốn đầu tư lên đến 120 triệu USD, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đáp ứng 100% nhu cầu nguyên liệu của An Phát Holdings, khép kín hệ sinh thái tuần hoàn xanh từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công nguyên liệu và sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, đồng thời chính thức tham gia vào mạng lưới nguyên liệu xanh thế giới.
Theo tính toán, giá thành sản phẩm xanh sẽ giảm 20-30% khi nhà máy PBAT đi vào hoạt động. An Phát Holdings còn hợp tác với Nexeo Plastics, nhà phân phối hạt nhựa hàng đầu thế giới để đưa nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học vào thị trường Mỹ, Canada, Mexico. Với mức tăng trưởng doanh thu chung 16-18% trong giai đoạn 2016- 2021, ngành nhựa được dự báo sẽ tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng 2 chữ số trong những năm tới. Bước sang năm 2022, triển vọng cho ngành nhựa rất thuận lợi nhờ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực thi như CPTPP, EVFTA, RCEP, giúp mở ra cơ hội thu hút đầu tư không chỉ ở các nước đối tác FTA, mà cả các nước khác.
Hiện các nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã mua cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nhựa của Việt Nam. Năm 2021, Tập đoàn SCG (Thái Lan) hoàn tất mua lại 70% cổ phần hai mảng kinh doanh bao bì, nhựa gia dụng của Công ty Nhựa Duy Tân (doanh thu gần 5.000 tỷ đồng), với trị giá 280 triệu USD. Trước đó, Tập đoàn SCG cũng chi gần 2.100 tỷ đồng (89 triệu USD) mua 94% cổ phần của Công ty Bao bì Biên Hòa (SOVI), doanh nghiệp thành lập từ năm 1968 với doanh thu hàng năm gần 2.000 tỷ đồng. SCG cũng thâu tóm nhiều doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực bao bì, nhựa như Tín Thành, Nhựa Bình Minh. Với sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI, dự báo xuất khẩu sản phẩm nhựa và nguyên liệu nhựa sẽ sớm cán mốc 10 tỷ USD trong thời gian tới.
(Theo www.vpas.vn)
- Thiết kế kéo dài vòng đời sản phẩm để tái sử dụng rác thải nhựa(16/07/2022)
- Hoàn thiện Dự thảo về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương(23/07/2022)
- Startup Indonesia biến rác thành ‘vàng’(30/07/2022)
- Lối ra cho rác thải nhựa(07/08/2022)
- Sản xuất nhựa tự hủy từ vanillin(13/08/2022)
- Rác thải trên biển là thách thức lớn của thế kỷ 21(20/08/2022)
- Khó "địa phương hóa" các sáng kiến giải quyết rác thải nhựa(27/08/2022)
- Vấn đề: Rác thải nhựa(01/09/2022)
- Việt Nam cùng các nước ASEAN giải quyết thách thức rác thải nhựa(10/09/2022)
- Nhựa tự tiệt trùng tiêu diệt virut(16/09/2022)
- Trung Quốc sản xuất nhựa phân hủy sinh học PGA, giảm phát thải CO2(24/09/2022)
- Quy định mới về quản lý chất thải nhựa(01/10/2022)