Thúc đẩy sản phẩm tái chế
Theo các thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó hơn một nửa thải ra biển. Tuy nhiên, sau cam kết Net-Zero vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26) và các hiệp định thương mại thế hệ mới, đến nay chủ đề phát triển bền vững càng được doanh nghiệp, cũng như cộng đồng quan tâm.
Tại Việt Nam đã có nhiều sáng kiến tái chế, tái sử dụng xuất phát từ cả phía cộng đồng và nhà sản xuất. Từ phía cộng đồng, các chương trình như rag fair hay mottainai fair (ngày hội quần áo cũ, ngày hội tái chế) tại các trường học, khu dân cư đã không còn xa lạ với đông đảo người dân thành thị. Ngoài ra, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ cũng là đầu mối tích cực thúc đẩy các phong trào sống xanh, làm phân compost, tái chế rác thải... giúp thúc đẩy phân loại, tái chế rác thải từ đầu nguồn.
Đồng thời, ý thức người tiêu dùng được nâng cao cũng góp phần thúc đẩy hành động của doanh nghiệp. Các chương trình tái chế, thay thế vật liệu nhựa bằng vật liệu thân thiện môi trường, giảm giá cho khách hàng dùng sản phẩm refill (làm đầy chai cũ) thay vì mua chai mới... xuất hiện ngày càng nhiều. Những dấu hiệu này cho thấy sống bền vững - sản xuất bền vững đang dần trở thành xu hướng chủ đạo chứ không chỉ là phong trào như cách đây nhiều năm.
Bên cạnh các giải pháp đầu tư cho cơ sở hạ tầng tái chế từ nhà nước, các sáng kiến mới từ khối tư nhân cũng đang được triển khai
Đơn cử theo đề án “Sản xuất hạt nhựa và sản phẩm nhựa tái chế”, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển ngành nhựa tái chế, TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ triển khai dự án Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân tại Lô D2 - Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An.
Được biết, trong năm 2024, thành phố sẽ thực hiện dự án đầu tư, nâng cấp phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm và nghiên cứu sản xuất thử sản phẩm ngành cao su, nhựa kỹ thuật thuộc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp thành phố. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển hệ sinh thái và công nghệ thu gom, tái chế rác thải cao su - nhựa theo hướng tái chế, tái sử dụng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh và bền vững, góp phần xây dựng thành phố xanh.
Hòa chung dòng chảy ấy, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đã và đang thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn với chu trình sản xuất khép kín, chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Gần đây, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm sử dụng nhựa tái chế, hay nói cách khác là được tái sinh vòng đời trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng... là những tín hiệu đáng khích lệ về xử lý rác thải nhựa nói riêng và chuyển đổi sản xuất xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Nhiều tín hiệu tích cực
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách 24 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật. Trong đó, có 7 công ty có thể tái chế ắc quy, pin; 3 công ty có thể tái chế dầu nhớt; 4 công ty có thể tái chế sản phẩm điện, điện tử. Ngoài ra còn có 2 tổ chức được ủy quyền tổ chức tái chế.
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế trong hoặc ngoài danh sách được công bố, nhưng phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường quy định tại khoản 4 Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP tại thời điểm ký kết hợp đồng tái chế.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc công bố danh sách đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì nhằm cung cấp, hỗ trợ thông tin cho nhà sản xuất, nhập khẩu biết và tham khảo trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì.
Việt Nam đứng thứ 4/20 quốc gia ở Top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế. Do vậy việc đẩy mạnh tái chế và giảm thiểu sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, ngành tái chế của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có để phát triển khi quy định tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) có hiệu lực thi hành bởi doanh nghiệp sẽ tiếp nhận được nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động tái chế. Tuy nhiên, hiện nay ngành tái chế của Việt Nam còn non trẻ, không có nhiều nhà tái chế lớn có công nghệ hiện đại.
Nguồn: Hiệp hội Nhựa Việt Nam
- Thành phố New York (Mỹ) hạn chế đồ nhựa dùng một lần(11/08/2023)
- Biến rác thành tiền(25/08/2023)
- Phương pháp mới làm rác thải nhựa biến mất(25/08/2023)
- Các chỉ thị khung trong quản lý rác thải nhựa tại Châu Âu(07/09/2023)
- Người dùng sẽ chịu thiệt vì mức phí tái chế đối với doanh nghiệp cao bất hợp lý(07/09/2023)
- Chuyên gia nêu loạt giải pháp giúp Việt Nam ‘chống ô nhiễm nhựa’(12/09/2023)
- Chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế(12/09/2023)
- Tin tức Túi nilong – Dùng sao để không bị nhiễm độc?(20/09/2023)
- Giải pháp sáng tạo trong xử lý nhựa tại Australia(21/09/2023)
- 6 bước chính của một thiết kế thành công cho chương trình sản xuất(21/09/2023)
- Kinh tế tuần hoàn - xu thế không thể đảo ngược(21/09/2023)
- Tính đúng, tính đủ định mức chi phí tái chế(27/09/2023)