Những hòn đảo phía nam Nhật Bản được bao phủ bởi bờ biển cát trắng, là nơi sinh sống của các rạn san hô và rùa biển làm tổ, đồng thời cung cấp tuyến đường di cư an toàn cho cá voi. Vùng rộng lớn từ Kagoshima đến tỉnh Okinawa được trao danh hiệu UNESCO sau khi ở đây phát hiện có loài đặc hữu và loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, trên thực tế, các bãi biển tại đây khác xa với “thiên đường hoang sơ”. Người dân địa phương lớn tuổi thường chất thành đống và đốt từng mảnh vụn nhựa rải rác trên bờ biển, từ dụng cụ đánh cá đến đế giày.
Theo South China Morning Post, rác thải nhựa là vấn đề cũ trong mọi cuộc thảo luận lớn và vẫn thu hút sự chú ý rộng rãi. Vấn đề không chỉ nằm ở Nhật Bản, mà 5 quốc gia châu Á khác - gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan - chịu trách nhiệm cho hơn một nửa lượng rác thải trên các đại dương.
“Vi nhựa có mặt khắp nơi trên các vùng biển Đông và Đông Nam Á”, tiến sĩ vi sinh vật học Rüdiger Stöhr - thành viên của One Earth One Ocean (OEOO) - cho hay, nói thêm một trong những nguồn chính của rác thải nhựa trên biển hiện nay là từ các siêu đô thị.
Đã ý thức, nhưng chưa hành động
Tiến sĩ Theresa Mundita S. Lim - Giám đốc điều hành Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN - cho hay tốc độ phát triển thần tốc của châu Á đã dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nhựa. Tại khu vực này, dân số nói chung, đặc biệt nhóm thu nhập thấp, có xu hướng sử dụng sản phẩm kích thước nhỏ thường đóng gói trong túi hoặc chai nhựa, vì chúng rẻ hơn so với những sản phẩm kích thước lớn.
Công ty Ipsos gần đây khảo sát 20.000 người từ 28 quốc gia với câu hỏi liệu có nên cấm đồ nhựa dùng một lần. Kết quả cho thấy 3/4 người được hỏi ủng hộ, và muốn quy định này “áp dụng càng sớm càng tốt”.
Một số chính phủ đã đạt được bước tiến trong việc cấm tiêu thụ nhựa dùng một lần. Gần đây nhất và toàn diện nhất phải kể đến quy định của chính phủ Anh.
Công bố hồi tháng 1, luật dự kiến có hiệu lực vào tháng 10 tới, cấm các nhà bán lẻ và nhà cung cấp thực phẩm trong toàn ngành nhà hàng - dịch vụ - du lịch sử dụng các vật dụng như dao kéo nhựa và hộp nhựa mang đi. Nước này cũng đang nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng khi cấm các mặt hàng nhựa khác, như túi đựng thức ăn, khăn ướt...
Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia châu Á, văn hóa ẩm thực đường phố của Anh không phát triển bằng. Điều này đặt ra câu hỏi liệu việc châu Á cấm toàn diện dùng nhựa một lần như cách Anh làm có khả thi hay không.
Châu Á cũng đang tìm cách hạn chế người dân tiêu thụ nhựa dùng một lần. Vào năm 2022, chính phủ Nhật Bản ban hành luật, yêu cầu các doanh nghiệp giảm tiêu thụ 12 mặt hàng cụ thể. Giới chức cũng cho phép các doanh nghiệp tự quyết định cách giảm sản lượng nhựa, trong đó có đề xuất hệ thống tích điểm cho khách từ chối sử dụng.
Dẫu vậy, rất nhiều đồ nhựa trôi dạt ở các bãi biển Nhật Bản thường là các thiết bị câu cá hoặc sản phẩm gia dụng. Ngoài ra, hình ảnh thường thấy trên bãi biển là chai đựng đồ uống làm polyetylen terephthalate (PET) - mặt hàng xuất hiện trong khoảng 2,5 triệu máy bán hàng tự động trên khắp cả nước.
Trong khi đó, năm 2020, chính phủ Thái Lan cam kết loại bỏ nhiều loại nhựa sử dụng một lần, gồm túi nhựa (vào năm 2021) và ống hút nhựa (vào năm 2022), trong khi tất cả bao bì nhựa còn sót lại sẽ được tái chế vào năm 2027.
Tuy nhiên, bài xã luận năm 2022 trên Bangkok Post gợi ý bất chấp những nỗ lực nhằm loại bỏ nhựa sử dụng một lần, chính phủ “không muốn tạo thêm gánh nặng cho các cửa hàng thực phẩm, người bán hàng ở chợ và nhà sản xuất nhựa”.
Nhựa vẫn xuất hiện tại khắp các chợ đêm Thái Lan. Chỉ cần tìm hashtag #thailandnightmarket trên Instagram, người dùng có thể thấy hàng nghìn thực khách dùng ống hút nhựa để uống nước từ cốc nhựa, dùng đũa thìa nhựa ăn thức ăn trong khay nhựa, bọc hoa quả bằng màng nhựa.
Chưa chạm tới gốc rễ vấn đề
Theo bà Lim, cộng đồng địa phương vốn biết giá trị của tài nguyên thiên nhiên trong việc duy trì chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc thời đại thay đổi như đô thị hóa, phát triển, mở rộng không thể tránh khỏi tiêu thụ những sản phẩm có hại cho môi trường, bà nói.
Bà Lim tin với sự giáo dục và tham gia của cộng đồng, họ có thể trở thành một trong những nhân tố chính bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững quê hương. Đó là khi những tổ chức cấp cơ sở như Trash Hero ra đời.
Phong trào bắt đầu vào tháng 12/2013, khi hàng tuần, một nhóm gồm cả người nước ngoài và người dân địa phương cùng nhau dọn dẹp bãi biển trên hòn đảo ở miền Nam Thái Lan. Từ những khởi đầu nhỏ, tổ chức đã phát triển mạnh mẽ và hiện đã có hơn 438.500 người tham gia.
Ngoài dọn dẹp, Trash Hero cũng có nhiều hoạt động khác, như chương trình giáo dục cho trẻ em thông qua sách truyện, giải thích ô nhiễm nhựa theo cách dễ hiểu và khuyến khích trẻ đưa ra lựa chọn có lợi cho môi trường.
Seema Prabhu, Giám đốc chương trình Trash Hero, cho biết hỗ trợ và giáo dục địa phương chỉ là một phần nhỏ, bởi cần quan tâm tới cả nguồn gốc chất thải nhựa.
Lập trường của ông Prabhu rất rõ ràng: “Nếu không có sự thay đổi mang tính hệ thống, như ngừng sản xuất bao bì nhựa dùng một lần, hỗ trợ người dân tái chế một cách dễ dàng và có hệ thống quản lý chất thải phù hợp, vấn đề sẽ vẫn tồn tại”.
Ông Prabhu nói thêm những tổ chức như Trash Hero có thể là giải pháp hiệu quả thu hút sự chú ý của cộng đồng, nhưng chỉ dọn dẹp thôi sẽ không đủ để giải quyết gốc rễ vấn đề.
Không những vậy, việc chính phủ tuyên bố đạt được các mục tiêu tái chế cũng chưa giải quyết được nguyên nhân chính. “Nếu phòng tắm bị ngập nước, việc lau sàn chả có ích gì nếu vòi tắm vẫn đang chảy”, ông so sánh.
“Tắt vòi” nhựa đòi hỏi một số nỗ lực. Theo bà Lim, con đường phía trước nằm ở nhận thức về mức độ liên kết của vấn đề, với các giải pháp “tích hợp, giao thoa và xuyên biên giới”.
“Nhận thức này phải dẫn đến sự thay đổi và chuyển đổi hành vi, gồm cải cách chính sách ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu”, cũng như cá nhân lẫn xã hội đều hành động, bà nói.
Vị chuyên gia nói thêm “chúng ta cần pháp luật và chính sách”, và trên toàn cầu, chúng ta cần các cam kết hợp tác biến thành hành động.
“Về lâu dài, tất cả điều trên kết hợp lại sẽ dẫn đến các đại dương sạch hơn, đa dạng sinh học biển, có khả năng cung cấp nghề cá bền vững và giảm thiểu tác động của khí hậu, tạo ra các điểm du lịch tự nhiên, và các giải pháp khác dựa trên tự nhiên giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay”, bà Lim nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Stöhr hy vọng các tổ chức như OEOO sẽ tạo ra tác động ngay lập tức, khi họ tiếp tục thu gom rác biển, làm sạch, phân loại nhựa để tái chế.
“Ý tưởng này có thể giải quyết vấn đề tại các điểm nóng ô nhiễm biển do nhựa”, ông nói. “Tôi hy vọng nhận thức về vấn đề này sẽ được phổ biến rộng rãi đến mức mọi người cấm nhựa. Và hy vọng vẫn chưa quá muộn”.
Cho dù người dân dọn dẹp bãi biển, doanh nghiệp hành động có trách nhiệm, hay chính phủ thông qua thêm luật, mỗi phút đều có một xe rác nhựa đổ xuống đại dương, tức trong thời gian bạn đọc xong bài viết này, đại dương đã hứng thêm năm xe rác.
Theo www.vpas.vn
- Nhựa Bình Minh nỗ lực thực thi nhiều giải pháp để phát triển bền vững(17/06/2024)
- Khái niệm Nhựa PTFE - Vật liệu PTFE có phải Teflon hay không?(17/06/2024)
- Nhựa PE có an toàn hay không? Cần lưu ý những gì khi sử dụng?(04/07/2024)
- Ưu và nhược điểm của nhựa PC? Ứng dụng trong thực tế(04/07/2024)
- Hạt nhựa là gì? Các loại hạt nhựa và ứng dụng thực tiễn(04/07/2024)
- Lợi ích của việc sử dụng những tấm nhựa HDPE(23/07/2024)
- Những cách lựa chọn và sử dụng nhựa PE dạng tấm hiệu quả(23/07/2024)
- Những ứng dụng tiềm năng của tấm nhựa PE trong cuộc sống hàng ngày(28/07/2024)
- Bí quyết chọn lựa và bảo quản tốt nhất tấm nhựa PE cho nội thất(01/08/2024)
- Cách phân biệt các tấm nhựa PE, PP, PVC(06/08/2024)
- Tấm nhựa HDPE là gì? Nhựa HDPE chịu được nhiệt độ bao nhiêu?(13/08/2024)
- Tấm nhựa HDPE trong xi mạ hóa chất(14/08/2024)