Thanh niên chung tay hành động chống rác thải nhựa đại dương

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Thanh niên chung tay hành động chống rác thải nhựa đại dương
22/03/2024 - 08:03:01 AM | 1268
Ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là ô nhiễm trắng đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Tại Việt Nam, bằng những hành động cụ thể, mô hình thiết thực, đoàn viên, thanh niên đã và đang chứng tỏ là lực lượng xung kích đi đầu, là hạt nhân kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
 

*Chung tay hành động

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm nước ta thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là túi ni-lông. Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam.

Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Thư ngỏ đến các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp và toàn toàn xã hội kêu gọi chung tay hành động chống rác thải nhựa - vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững.

Xác định vai trò của thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tích cực cùng các cấp, các ngành tham gia công tác bảo vệ môi trường. Các hoạt động về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống và bầu khí quyển được triển khai thường xuyên, liên tục. Nổi bật như việc tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh trên toàn quốc”, tổ chức chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, tổ chức Cuộc thi "Thách thức để thay đổi" nhằm vận động đoàn viên, thanh niên cả nước tình nguyện bảo vệ môi trường bằng các hành động thiết thực, xóa những "điểm đen" rác thải thành "điểm sáng - xanh - sạch đẹp"…

Theo ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh (Hiệp hội Nhựa Việt Nam), để giảm thiểu rác thải nhựa, việc thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp đối với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa là quan trọng nhất. Tổ chức Đoàn cần tiếp tục khích lệ đoàn viên thanh niên phát huy tinh thần sáng tạo, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, hơn 14.000 đoàn viên thanh niên của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường nói chung, phong trào chống rác thải nhựa nói riêng. Hàng năm, Đoàn Thanh niên Bộ thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hoạt động thu gom rác thải nhựa và làm sạch môi trường sống; triển khai mô hình công sở xanh tại cơ quan. Trong năm 2023, Đoàn Thanh niên Bộ tổ chức làm sạch bãi biển tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng; phát động Chương trình hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn tại trụ sở Bộ. Tại sự kiện này, các đoàn viên đã phân loại rác tại nguồn, đổi rác lấy cây xanh, chia sẻ các giải pháp sáng tạo về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Đoàn Thanh niên Bộ đã tổ chức thành công cuộc thi “Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa”. Sau hơn 2 tháng phát động (từ tháng 9-11/2023), Ban Tổ chức nhận được hơn 50 sáng kiến của các tác giả, nhóm tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc ở nhiều lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Cuộc thi khơi dậy ý thức và hành động tiêu dùng xanh để giảm ô nhiễm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra tương lai bền vững; khuyến khích, vận động và tôn vinh những ý tưởng, sáng kiến, hành động giúp giảm ô nhiễm nhựa. Qua đó đẩy mạnh tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

* Lan tỏa những mô hình xanh

Chống rác thải nhựa là “cuộc chiến” dài hơi và không đơn giản. Với tinh thần xung kích của thanh niên, với mạng lưới rộng khắp của tổ chức Đoàn thanh niên, nhiều mô hình hành động chống rác thải nhựa được triển khai rộng rãi.

Điển hình là phong trào chống rác thải nhựa của Đoàn Thanh niên huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là lực lượng quan trọng trong quá trình triển khai dự án “Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện A Lưới do UBND tỉnh phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam thực hiện.

Theo anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới, tiểu thương và người đi chợ là nhóm cần quan tâm và tác động đầu tiên bởi lượng túi ni-lông và rác thải nhựa sử dụng một lần phát sinh trong hoạt động của nhóm đối tượng này lớn nhất. Huyện Đoàn đã chủ động phối hợp với dự án thực hiện “Mô hình chợ giảm rác nhựa” tại chợ Bốt Đỏ và chợ A Lưới. Đã có 25 tiểu thương tại chợ A Lưới trở thành Quầy hàng xanh giảm nhựa. Từ 3/2022, tủ cung cấp túi ni-lông sạch tái sử dụng được đưa vào vận hành và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ tiểu thương. Tiểu thương và người mua hàng sử dụng túi cho việc kinh doanh, mua sắm tại chợ, đồng nghĩa với việc giảm phát sinh túi ni-lông mới.

Góp phần xây dựng hình ảnh A Lưới thân thiện với môi trường trong mắt du khách, Huyện Đoàn xây dựng và đưa vào sử dụng “Hệ thống Poster điện tử” với 4 tấm áp phích điện tử, vận hành 24/24 giờ; lắp đặt các tấm pa-nô có nội dung tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở lưu trú. Đặc biệt, ý thức được sức mạnh của truyền thông của mạng xã hội, Huyện Đoàn thành lập chuyên mục “Tuổi trẻ A Lưới nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần” trên fanpage chính thức của đơn vị và thường xuyên đăng tải các hình ảnh hoạt động cũng như các câu chuyện ý nghĩa về bảo vệ môi trường và hoạt động giảm rác thải nhựa.

Với quyết tâm xây dựng Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa", Huyện đoàn Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã sáng tạo trong các ý tưởng về mô hình thùng rác thải nhựa, tiêu biểu là mô hình "Ngôi nhà phân loại rác"; đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa cho học sinh và phong trào "Kế hoạch nhỏ" thu gom, nhặt rác thải nhựa bán gây quỹ; tổ chức dọn vệ sinh môi trường từ trong nhà trường đến bãi biển... Đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt trong các tổ kiểm soát túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của du khách tại các cầu cảng. Tổ kiểm soát này sẽ yêu cầu du khách tập kết túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần vào thùng rác hoặc thiết bị lưu, chứa đặt tại cầu cảng.

Hưởng ứng Tháng Thanh niên 2024 với chủ đề “Thanh niên Thủ đô xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, sáng 2/3, Thành đoàn Hà Nội triển khai Mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. Các đoàn viên thanh niên Thủ đô đã tuyên truyền, phát làn nhựa đi chợ và túi rác phân hủy sinh học cho người dân với mong muốn mỗi tổ chức, mỗi gia đình, mỗi cá nhân sẽ nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm trong việc hạn chế rác thải nhựa.

Dịp này, Thành đoàn Hà Nội ra mắt 3 đội hình tình nguyện: Đội tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa, Đội bóc xóa quảng cáo, rao vặt và Đội giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa. Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến chia sẻ, với mục tiêu xây dựng môi trường xanh, văn minh, thân thiện, hưởng ứng phong trào "Tôi yêu Hà Nội", Tuổi trẻ Thủ đô tích cực tham gia bảo vệ môi trường, trong đó có hoạt động giảm thiểu số lượng, tần suất sử dụng các chất thải từ nhựa, tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế.

Diễn đàn "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên” là một trong nhiều hoạt đông của Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường hưởng ứng Tháng Thanh niên 2024. Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Đặng Quốc Khánh đề nghị các cấp cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ, Đoàn Thanh niên các liên chi thuộc đoàn trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa. Mỗi đoàn viên, thanh niên gương mẫu đi đầu trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, gương mẫu thực hiện việc tái sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn; đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân chống rác thải nhựa, giúp người dân xây dựng các thói quen hạn chế và dần dẫn đến không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tiến sỹ Phạm Mạnh Hoài (Chuyên gia Quản lý Đối tác và Chính sách, Chương trình Giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam) cho rằng chúng ta không chỉ đang chống lại rác thải nhựa mà còn đang xây dựng tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm đối với môi trường. Mỗi việc làm, mỗi ý tưởng sáng tạo của thanh niên đều là một đóng góp quý báu, là một hạt giống chúng ta gieo trồng cho tương lai./.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)