Thành công từ công nghệ tái chế rác thải nhựa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

D6/38E Ấp 4, Xã Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP. HCM

phuchongplastic@gmail.com

Thành công từ công nghệ tái chế rác thải nhựa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
17/01/2024 - 10:01:25 AM | 597
(ĐCSVN) – Vượt qua nhiều công trình tiêu biểu, công trình “Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng” của 2 tác giả Nguyễn Viết Thanh và Trương Ngọc Tuấn đến từ tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự đạt giải Nhì giải thưởng Sáng tạo Khoa học, Công nghệ toàn quốc năm 2022.

Anh Nguyễn Viết Thanh và anh Trương Ngọc Tuấn đã cùng nhau nghiên cứu, thực hiện công trình. Ảnh: TL

Giải thưởng do Qũy Vifotec - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó có 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.

Nhiều năm qua, trăn trở trước thực trạng khối lượng rác thải nhựa từ sản xuất, sinh hoạt thải ra môi trường ngày càng lớn; trong khi đó, hoạt động thu gom, xử lý và tái chế rác thải nhựa chưa thực sự hiệu quả, hai tác giả đến từ tỉnh Thanh Hóa đã cùng nhau nghiên cứu, thực hiện công trình "Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng".

Chia sẻ về công trình, ông Nguyễn Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Tân Thanh Phương, Chủ nhiệm công trình cho biết, công trình “Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng” là bước phát triển cao và hoàn thiện của Dự án thử nghiệm “Sản xuất ống nhựa thoát nước thải từ rác thải màng co PVC” được nhóm tác giả thực hiện trong vòng 18 tháng (từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2017) thuộc chương trình ứng dụng KH&CN khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa.

Theo ông Nguyễn Viết Thanh, hiện nay nhu cầu sử dụng các loại ống nhựa, thanh nhựa dân dụng, công nghiệp và viễn thông ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Ống PVC được sử dụng rất đa dạng trong cuộc sống, từ ống dẫn nước từ nhà máy nước đến các trạm phân phối nước, đến hộ gia đình, ống nước thải trong các tòa nhà cao tầng, ống dẫn nước tưới ở các trang trại nuôi trồng thủy hải sản, trồng cao su, ca phê, tiêu, điều, ống dẫn nước cấp ở các nhà máy thủy điện…PVC cứng còn được dùng làm ống dẫn, xăng dầu và khí, dùng bọc các kim loại làm việc trong môi trường ăn mòn; tấm nhựa dùng trong xây dựng như lát nền nhà giả gỗ, làm tấm phào trần trang trí v.v...

Theo điều tra, mỗi năm nhu cầu ống, tấm, thanh nhựa giả gỗ giả đá phục vụ cho nhu cầu của các công trình xây dựng trong gia đình hay các công trình công cộng, công nghiệp, nông nghiệp... ngày một tăng.

Với sự thử nghiệm nguyên liệu chính là hạt nhựa PVC sản xuất trong nước và các loại ống nhựa và nhựa phế thải để tái chế, giá thành chỉ bằng 2/3 giá thành của các loại ống nhựa khác trên thị trường nhưng chất lượng không thua kém, Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Tân Phương Thanh đã nghiên cứu tái sử dụng rác thải nhựa PVC làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và thành công trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ban Tổ chức trao giải thưởng cho nhóm tác giả đạt giải Nhì giải thưởng Sáng tạo Khoa học, Công nghệ toàn quốc năm 2022. Ảnh: TL

Công trình góp phần ổn định kinh tế tại địa phương, tạo tiền đề cho việc xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghệ tái chế rác thải, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khu vực Bắc miền Trung và phạm vi cả nước.

Ngoài ra, công trình thành công đã mở ra và từng bước định hình triển vọng mới trong việc biến rác thải thành nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm với giá cả cạnh tranh phục vụ ngành xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp đang cung ứng trên thị trường.

Tiến sĩ Trương Ngọc Tuấn - đồng Chủ nhiệm công trình chia sẻ rằng: "Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các khâu chuyển giao đề tài, để đề tài mang lại những hiệu nhiều hơn với cộng đồng, xã hội. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ về chính sách nhà nước trong xử lý rác thải môi trường, quảng bá, thúc đẩy sử dụng sản phẩm do đề tài này mang lại".

Theo đánh giá các chuyên gia, nguồn tài nguyên từ thiên nhiên ngày một cạn kiệt, nhất là nhiên liệu hóa thạch; sự biến đổi của khí hậu, hiệu ứng nhà kính ngày một gia tăng, môi trường sinh thái ô nhiễm. Khái niệm nền kinh tế tuần hoàn ngày một được nhắc đến hiều hơn. Tăng trưởng kinh tế và thay đổi mô hình tiêu thụ và sản xuất đang dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng chất thải nhựa trên toàn thế giới. Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Tân Thanh Phương là doanh nghiệp khoa học, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong những năm qua, công ty đã tiến hành triển khai và làm chủ được dự án “Sản xuất ống nhựa thoát nước thải từ rác thải màng co PVC”; sản xuất các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa phục vụ công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng; giới thiệu và chuyển giao công nghệ cho đối tác, doanh nghiệp… với hy vọng mang lại một sản phẩm tốt, mang ý nghĩa thực tiễn cho việc tái sử dụng chất thải, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý chất thải rắn, không chỉ ở địa phương Thanh Hóa mà còn ở trong và ngoài nước./.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)