Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam thông qua dữ liệu số

D6/38E Ấp 4, Xã Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP. HCM

phuchongplastic@gmail.com

Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam thông qua dữ liệu số
26/02/2024 - 03:02:57 PM | 321
Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu đã luôn là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Một tiếp cận toàn diện gồm chia sẻ thông tin, bằng chứng và xây dựng các chính sách sẽ giúp quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường xanh, sạch.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: nhuavasuckhoe.vn)

Rác thải nhựa đã lâu trở thành một vấn đề đe dọa cả sức khỏe con người và môi trường. Mối nguy hiểm lớn nhất của rác thải nhựa là khả năng khó phân hủy của chúng. Ngay cả khi được chôn lấp trong đất, chúng có thể tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn, làm cho đất mất khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng, ngăn cản lưu thông oxy qua đất. Chúng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây trồng. Cũng như gây trở ngại cho sự phát triển của các loài động, thực vật.

Ước tính có hơn 7 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động của ô nhiễm rác thải nhựa. Các mối đe dọa sức khỏe liên quan bao gồm sợi vi nhựa được tìm thấy ở 12 trong số 24 loài cá thương mại ở Vịnh Bắc Bộ (Koongolia và cộng sự, 2020), và ô nhiễm nhựa nghiêm trọng ở các rạn san hô và rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam.

Năm 2010, Lamb và cộng sự (2018) ước tính có 41 triệu mảnh nhựa bị mắc trong các rạn san hô của Việt Nam và con số này sẽ tăng lên 177 triệu mảnh nhựa vào năm 2025. Điều này làm gia tăng lũ lụt ven biển và các bệnh lây truyền qua đường nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các gia đình phụ thuộc vào nghề cá và du lịch.

Mỗi năm, trên toàn cầu, khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được xả ra môi trường. Ở Việt Nam, hàng năm chúng ta tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, với hầu hết là túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nylon/tháng, và hơn 80% số này sau khi sử dụng là bỏ luôn không sử dụng.

Mặc dù nhiều chương trình và dự án khác nhau đã được triển khai để giải quyết ô nhiễm nhựa ở cấp quốc gia và địa phương nhưng việc chia sẻ dữ liệu, kiến thức và các bài học kinh nghiệm vẫn còn rất hạn chế.

Trong nỗ lực nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa, vào năm 2020, một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam đã ra mắt nền tảng số về nhựa và sức khỏe (https://nhuavasuckhoe.vn) nhằm cung cấp nguồn tri thức cập nhật, chất lượng, có tính đổi mới về nhựa và sức khỏe; hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực và công cụ cần thiết để hợp tác và giải quyết thách thức về ô nhiễm nhựa tại Việt.

Với sự tài trợ từ Dự án Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, nền tảng này cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu, công cụ và các biện pháp thực hành tốt nhất để giảm ô nhiễm nhựa. Nền tảng cũng kết nối các bên liên quan như chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự - để tăng cường hợp tác và trao đổi với người dân về tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa đối với sức khỏe con người.

Thực trạng đáng báo động rác thải nhựa tại Việt Nam

Những hình ảnh rác lênh đênh trên biển của Việt Nam có lẽ không còn xa lạ với nhiều người nhưng lại đang làm xấu đi hình ảnh của du lịch biển Việt Nam, nhất là khi du lịch đang dần phục hồi sau đại dịch.

Rác thải nhựa đang hiện hữu với mức độ nghiêm trọng ở nhiều nơi tại Việt Nam khi ước tính, trung bình hàng năm, có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền. Ít nhất, 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu thế giới.

Do tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đô thị hóa và thay đổi lối sống khiến lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (2019), lượng sản xuất và tiêu thụ nhựa ở nước ta vào khoảng 5 triệu tấn năm 2015, trong đó 80% nguyên liệu sản xuất nhựa là nhập khẩu. Lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 là 41 kg/người, cao gấp hơn 10 lần so với lượng tiêu thụ 3,8 kg/người vào năm 1990.

Một điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Việt Nam còn rất hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường. Lượng chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".

Để giải quyết thách thức này, các bên liên quan cần một cách tiếp cận đầy đủ và toàn diện nguồn dữ liệu, thông tin và kinh nghiệm về ô nhiễm nhựa và quản lý rác thải nhựa để giảm khối lượng loại bỏ ra môi trường.

Giải pháp

GreenHub, một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, đã làm việc với các cơ quan chính phủ để phát triển và thử nghiệm nền tảng nhuavasuckhoe.vn. Nền tảng kết nối các tổ chức liên quan và người dân để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và tăng cường quản lý chất thải rắn.

Người dùng cung cấp phản hồi trên nền tảng trong hội thảo dành cho các bên liên quan.

Nền tảng giúp giảm thiểu ô nhiễm nhựa thông qua sự chung tay hành động bằng cách củng cố và đoàn kết các mạng lưới, cộng đồng và cá nhân thông qua (i) hiểu biết về sức khỏe môi trường, (ii) các giải pháp được triển khai tại địa phương và dựa trên dữ liệu, (iii) vận động chính sách, (iv) đổi mới kinh doanh và (v) phương tiện truyền thông truyền thống và các công nghệ truyền thông mới nổi.

Nền tảng nhuavasuckhoe.vn cung cấp nhiều nội dung và công cụ chưa có ở Việt Nam, bao gồm các: Hướng dẫn về phân tích kỹ thuật, chính sách, chiến lược và hành động; Dữ liệu thô (nội dung kinh tế xã hội, kinh doanh và ô nhiễm); các công cụ hỗ trợ tìm kiếm và phân tích dữ liệu, kiến thức, sự kiện và thực tiễn; các công cụ thúc đẩy tính tương tác và sự tham gia của người dùng; thư viện phương tiện nghe nhìn với hình ảnh, podcast, video; nội dung và các công cụ từ cấp quốc gia và địa phương như hướng dẫn đánh giá và cách giảm sử dụng nhựa ở cấp cá nhân và cấp cộng đồng cũng như các biện pháp thực hành tốt nhất về đô thị thông minh về nhựa.

Những kết quả tích cực

Trọng tâm của nền tảng là nội dung và các công cụ hữu ích. Trong giai đoạn đầu tiên của Dự án Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương (2021 - 2023), nền tảng này đã thu hút 111.000 lượt xem. Hơn 2.500 người đã đóng góp dữ liệu và thông tin. GreenHub cũng chia sẻ dữ liệu này với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) và các địa phương. Việc nhập dữ liệu có thể được thực hiện bằng điện thoại hoặc máy tính bảng và các hoạt động được ánh xạ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng tìm kiếm.

Nền tảng nhuavasuckhoe.vn cung cấp các tính năng sau:

Dữ liệu thô về ô nhiễm nhựa và giám sát: được hiển thị thông qua bảng điều khiển và các lớp hệ thống thông tin địa lý.

Kết nối: Các bên liên quan trong chuỗi giá trị nhựa có thể đăng ký làm thành viên và đăng tải các thông tin liên quan đến công việc của mình, tạo cơ hội hợp tác.

Cơ sở dữ liệu cập nhật về các chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động cấp quốc gia và địa phương nhằm hỗ trợ các sáng kiến quốc gia về giảm ô nhiễm nhựa.

Nghiên cứu các điển hình thành công nhằm giảm ô nhiễm nhựa, nhấn mạnh vào những thay đổi tích cực, giảm nhựa sử dụng một lần và cải thiện tình trạng sức khỏe.

Trong quá trình triển khai dự án, nhiều bài học và kinh nghiệm đã được rút ra nhằm quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa bao gồm: chia sẻ thông tin và các thực tiễn tốt nhất; lưu trữ nội dung và các công cụ thiết yếu; đánh giá của người dùng. Đồng thời cần phát triển năng lực về công nghệ thông tin và quản lý chất thải cho nhân viên và người dùng nền tảng; chia sẻ kiến thức và đảm bảo tính bền vững (Nội dung phải liên quan và cập nhật nhất quán để đáp ứng nhu cầu và lợi ích ngày càng tăng của người dùng, chất lượng và độ chính xác của nội dung phải được giám sát để duy trì sự tin tưởng và tương tác của người dùng)./.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)