Giảm rác thải nhựa: Giải pháp, trách nhiệm và sự chung tay của toàn xã hội

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Giảm rác thải nhựa: Giải pháp, trách nhiệm và sự chung tay của toàn xã hội
26/07/2023 - 08:07:38 AM | 1923
Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu luôn là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Rất cần ý thức chung tay của cả cộng đồng và trách nhiệm của mỗi cá nhân hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nilon.

Rác thải nhựa hiện là vấn đề môi trường nghiêm trọng và Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có lượng chất thải nhựa cao thải ra hàng năm. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác. Phần lớn loại rác thải này sẽ thải ra khu vực biển, nơi rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước và các sinh vật biến khác. Các bãi biển ở Việt Nam có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn có vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư, các địa điểm du lịch.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thải rác nhựa cao

Nhựa là một chất liệu rất tiện dụng, dễ thao tác, giá thành rẻ do vậy các sản phẩm nhựa khó có thể biến mất hoàn toàn trong đời sống, do đó song song với việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy thì việc đi tìm một nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sinh học dễ phân hủy sẽ là giải pháp tối ưu trong tương lai.

Sinh vật biển ăn rác thải nhựa nên nhiễm hạt vi nhựa

Cùng chung nỗ lực với cộng đồng thế giới, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa dùng một lần. Các bộ, ngành, địa phương trên cả nước cũng đang hiện thực hóa chủ trương, chính sách bằng nhiều chương trình, dự án giảm rác thải nhựa, hướng đến mục tiêu chung: Nói không với rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên tắc chung trên toàn cầu hiện nay hướng tới 2050 sẽ không có rác thải và không phát thải, điều đó đòi hỏi nguyên tắc ai phát thải thì phải trả phí. Tuy nhiên lộ trình từ nay tới năm 2030 những doanh nghiệp nào áp dụng trước thì sẽ có thiệt hại về chi phí ban đầu. Trong tương lai dài hạn thì đảm bảo rằng họ sẽ đi trước, sẽ có năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác.

Đã đến lúc cần tìm những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường

Từ năm 2012 tại Hội nghị LHQ về môi trường Rio+20 khuyến khích về sản xuất, tiêu dùng bền vững, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ này. Các doanh nghiệp trong tương lai cần đồng hành với nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng để thực hiện tốt giảm phát thải nhựa ra môi trường và đại dương.

Thực tế thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã có những hành động cụ thể trong việc đối phó và xử lý với vấn đề rác thải nhựa. Phương thức tiếp cận mà nhiều doanh nghiệp hướng đến là xây dựng một hệ thống kinh tế tuần hoàn và bền vững, tập trung vào 3 trọng tâm chính là: Phát triển bao bì bền vững cho tương lai, xây dựng và định hình một tương lai không rác thải nhựa, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong việc sử dụng, xử lý bao bì sản phẩm. Có thể nói với những nỗ lực này, đã góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Đức, một chuyên gia sản xuất đồ nhựa tái chế, phản ứng của thị trường vẫn còn dè dặt với những sản phẩm này. "Nói chung người Viêt mình thường nghĩ đồ tái chế là bẩn, thứ hai nữa là đồ tái chế là rẻ, nên họ không lựa chọn để dùng, vì vậy rất khó cho những người làm tái chế”- ông Đức chia sẻ.

Dự án "Đổi cây xanh lấy rác"...

Việc thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người dân thực sự khó, không thể một sớm một chiều, nhưng “mưa dầm thấm sâu”, giờ đây, nói “Không” với túi nilon và đồ nhựa sử dụng một lần không còn là khẩu hiệu, mà trở thành nguyên tắc sống của nhiều người. Không chỉ vậy, những người này đã truyền lửa để thói quen ấy phổ biến và sâu rộng hơn trong cộng đồng với hy vọng sẽ có nhiều người cùng một suy nghĩ, hành động như mình để mong không rác thải nhựa, túi nilon.

“Hiện nay túi nilon là loại được sử dụng phổ biến, nó rẻ, tiện ích nhưng tác hại lại khôn lường. Đó là động lực thúc đẩy chúng tôi đem đến thông điệp “Nilon là không phong cách” tới tất cả chúng ta, để một môi trường trong sạch hơn.” - Lưu Thị Quyên, sinh viên Đại học ngoại thương Hà Nội chia sẻ.

Mặc dù đạt được kết quả nhất định, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn còn một số khó khăn trong việc vận động người dân tham gia phong trào chống rác thải nhựa. Chính vì vậy, tại nhiều trường học trên cả nước đã tăng cường việc tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh, mầm nong tương lai của đất nước bằng những việc làm cụ thể như không dùng bọc sách nilon; vận động trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy,… để đổi cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện. Bạn Đỗ Thị Thanh Mai, thành viên của Dự án Sống Xanh, một Dự án đổi cây xanh lấy rác cho rằng, hoạt động đổi rác lấy cây rất ý nghĩa, có tác động tới thế hệ trẻ, giúp họ thay đổi nhận thức.

... thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều bạn trẻ

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, cùng sự chung tay hành động của doanh nghiệp, của người dân, chắc rằng chúng ta sẽ thành công trong hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường Việt Nam thật sự xanh, sạch, đẹp.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)