Dự án ‘Kinh tế tuần hoàn nhựa’ của Unilever đạt giải Human Act Prize 2023

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Dự án ‘Kinh tế tuần hoàn nhựa’ của Unilever đạt giải Human Act Prize 2023
19/12/2023 - 08:12:12 AM | 1179
Với quan điểm mới - coi nhựa như một “nguồn tài nguyên” đặc biệt, Unilever từng bước “hái quả ngọt” trong mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa, hướng tới xây dựng tương lai phát triển bền vững.

Ngày 11/12, Báo Nhân Dân tổ chức tại gala trao “Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize 2023”. Human Act Prize nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Năm nay, dự án “Kinh tế tuần toàn nhựa” của Unilever đã được vinh danh trong hạng mục “Dự án bền vững”.

Những sáng kiến hướng đến tương lai bền vững

Theo báo cáo “Nghiên cứu cho thị trường Việt Nam: Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” của Ngân hàng thế giới năm 2021, mỗi năm khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này, 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế. Số lượng nhựa không được tái chế lên tới 2,62 tấn, gây hao hụt tương đương 2,2 - 2,9 tỉ USD.

Unilever mong muốn lan toả, truyền cảm hứng cho các đối tác, doanh nghiệp trong xây dựng hoạt động kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững

Với khát khao bảo vệ màu xanh của trái đất, Unilever Việt Nam nỗ lực không ngừng để tiên phong trong kinh tế tuần hoàn, nổi bật với dự án “Kinh tế tuần hoàn nhựa” được doanh nghiệp thực hiện bền bỉ suốt 3 năm qua.

Năm 2020, “Đổi rác lấy quà” trở thành mô hình thu gom rác thải nhựa trong cộng đồng; góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen về việc phân loại rác tại nguồn cho hơn 41.400 hộ gia đình, 32 trường học với hơn 15.000 học sinh.

Ngoài ra, Unilever phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp SCG và Dow ký kết sáng kiến "Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (PPC)". Đến nay, PPC đã có 28 thành viên bao gồm các công ty tư nhân, nhà tái chế, thu gom, các tổ chức, hiệp hội, chính quyền địa phương. Thông qua việc hợp tác, Unilever đã thu gom và tái chế 25.000 tấn rác thải nhựa, đồng thời sử dụng chính các hạt nhựa tái sinh này để sản xuất thành bao bì, chai nhựa mới sản phẩm của doanh nghiệp.

Điểm đột phá của dự án nằm ở sự sáng tạo và tính nhân văn, hướng đến tương lai bền vững. Cụ thể, Unilever phối hợp các đơn vị phân loại và xử lý, tái chế bao bì nhựa mềm để đưa ra các giải pháp bền vững đối với loại rác thải nhựa. Dự án đã mở ra hướng đi mới bằng việc đầu tư vào công nghệ và quy trình để tái chế nhựa, góp phần bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn lực.

Tái sinh vòng đời cho rác thải nhựa

Nhận thức mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa cần sự chung tay của cả cộng đồng, Unilever tiến hành truyền thông về việc phân loại rác tại nguồn cho gần 12 triệu người. Về phía các nhà phân phối, bán lẻ - mắt xích quan trọng mang những sản phẩm có bao bì nhựa tái sinh đến tay người tiêu dùng, Unilever khuyến khích phân loại rác thải nhựa sau khi sử dụng, để vòng tuần hoàn của nhựa tiếp tục được diễn ra. Theo báo cáo của doanh nghiệp, đến nay, 63% bao bì của Unilever Việt Nam có khả năng tái chế. Unilever cũng cắt giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì.

Ở thời điểm hiện tại, 63% bao bì của Unilever Việt Nam có khả năng tái chế

Ngoài ra, Unilever tổ chức chương trình “Hồi sinh rác thải nhựa”, cải thiện đời sống cho 2.500 lao động nhặt ve chai. Unilever nỗ lực giúp họ ổn định về thu nhập, nâng cao kiến thức và kỹ năng, đảm bảo sức khỏe lao động.

Dự án “Kinh tế tuần hoàn nhựa” tiếp tục được thực hiện với mục tiêu 100% bao bì sản phẩm đều có thể tái chế vào năm 2025, thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì sản phẩm mà doanh nghiệp bán ra. Trong giai đoạn từ 2022 - 2027, Unilever có kế hoạch hợp tác cùng các đối tác để hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 30.000 tấn rác thải nhựa.

Dự án Kinh tế tuần toàn nhựa của Unilever đã được vinh danh trong hạng mục Giải Dự án bền vững

Bước đầu thành công với dự án “Kinh tế tuần hoàn nhựa”, Unilever mong muốn lan toả và truyền cảm hứng cho các đối tác, doanh nghiệp trong xây dựng hoạt động kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

“Kinh tế tuần hoàn nhựa là một trong những dự án quan trọng giúp chúng tôi thực hiện đúng tôn chỉ kinh doanh. Được vinh danh tại giải thưởng Human Act Prize là một dấu mốc để chúng tôi tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn, hướng đến một tương lai phát triển bền vững”, đại diện Unilever cho biết.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)