Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp
20/05/2023 - 09:05:16 AM | 2082
(CAO) Ngày 28/2/2023, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức “Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp” với sự tham gia của hơn 60 đại diện đến từ các đơn vị quản lý nhà nước về môi trường, cơ quan báo chí/truyền thông, doanh nghiệp, mạng lưới hoạt động vì môi trường, tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng, thanh niên và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Đây là hoạt động thứ 9 trong khuôn khổ dự án “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”.

Đây là hoạt động thứ 9 trong khuôn khổ dự án “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”.

Những năm gần đây, việc truyền thông về môi trường nói chung và rác thải nhựa nói riêng ngày càng trở nên phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng, xã hội. Các chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022 với việc đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên hàng đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa một lần vẫn được sử dụng rộng rãi do đặc trưng về tính tiện lợi và giá thành rẻ.

Vì vậy, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức buổi đối thoại với sự tham gia của nhiều bên liên quan để cùng chia sẻ thông tin về thực trạng về ô nhiễm nhựa, rác thải nhựa tại Việt Nam và ảnh hưởng của rác thải nhựa tới sức khỏe con người; Tăng cường cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan trong việc giảm ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa; Khuyến nghị các chính sách và truyền thông vận động chính sách để giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam.

 

Bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt

 

Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt cho biết:“Chúng tôi mong rằng, sự kiện sẽ là một cầu nối, góp phần giúp các bên có thêm thông tin và cùng đưa ra được các giải pháp phù hợp trên hành trình thay đổi nhận thức của người dân và hình thành thói quen về lối sống văn minh, và cao hơn nữa là bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững cho đất nước”.

Tại sự kiện, các vấn đề về chính sách, hiện trạng và ảnh hưởng của rác thải nhựa lên môi trường và sức khỏe cộng đồng, những khó khăn trong quá trình tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo đã được chia sẻ và nhận được sự hưởng ứng tích cực.

 

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm CHERAD

 

Trong khi đó, nhiều vấn đề thời sự được thảo luận sôi nổi trong phiên đối thoại. Đó là vấn đề về rác thải nhựa y tế, khi 1.300 bệnh viện và hơn 10.000 trạm y tế xã thải ra trung bình 22-23 tấn rác thải y tế một ngày. Theo PGS. TS. Nguyễn Huy Nga – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD), mặc dù Bộ Y tế đã có Thông tư 20 về quản lý rác thải y tế, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý rác thải nhựa.

Các đơn vị sản xuất trang thiết bị nên được hướng dẫn và quản lý chặt chẽ về nguyên liệu và các sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, các chuẩn đầu vào của bệnh viện cũng cần cân nhắc đến các trang thiết bị y tế thân thiện với môi trường, hay còn gọi là sản phẩm “xanh”.

Đó là vấn đề thách thức về nguồn nguyên liệu trong tái chế. Theo bà Kim Thúy Ngọc – Trưởng phòng Kế hoạch Hợp tác Quốc tế, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) - Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khi nhựa được nhập khẩu đã được làm sạch từ nước ngoài khá dồi dào nhưng nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định do chưa được phân loại và làm sạch theo tiêu chuẩn tái chế. Đến nay, sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế được đưa ra thị trường chưa có tiêu chuẩn về chất lượng để cạnh tranh với sản phẩm từ nhựa nguyên sinh.

Thực tế, chi phí sản xuất ra các sản phẩm tái chế đang nhiều hơn chi phí của các sản phẩm làm từ nhựa nguyên sinh. Vấn đề giải quyết rác trong nước sẽ ngày càng thách thức hơn khi các doanh nghiệp không được tiếp cận với nguồn ưu đãi cụ thể để thực hiện loại hình công việc này.

 

Không gian buổi Đối thoại

 

Đó là vấn đề về sự tham gia của báo chí trong việc tuyên truyền cho cộng đồng về tác hại của rác thải cũng như thúc đẩy lối sống tiết giảm sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Dân Việt cho biết, không phải báo chí chưa từng vào cuộc điều tra các sai phạm của các đơn vị thu gom, xử lý rác trái phép. Các chủ đề “nóng” liên quan đã được đề cập trong nhiều chuyên đề của các cơ quan báo chí hàng chục năm nay. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành tái chế rác trái phép này quá lớn, câu chuyện của những tỷ phú và sự phát triển kinh tế của các “làng rác” sẽ tiếp tục khi vẫn còn khoảng trống giữa truyền thông và thực thi pháp luật..

Các khách mời cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể, bao gồm: Khuyến khích sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như tác hại khi sử dụng túi nilon, đồ nhựa; Vận động người dân "nói không với túi nilon" và chủ động phân loại rác ngay tại nguồn. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng thuế và cấp phép, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất sản phẩm nhựa; Nói không với việc nhập khẩu rác thải từ nước ngoài để tái chế; đồng thời các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để có thể áp dụng trong thực tiễn.

Buổi đối thoại là một trong những hoạt động cần thiết giúp các bên liên quan tăng cường kết nối để góp phần đạt được mục tiêu chung là giảm thiểu rác thải nhựa, tăng cường tái chế, tái sử dụng nhựa, thúc đẩy lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.

 

Theo www.vpas.vn