Các chỉ thị khung trong quản lý rác thải nhựa tại Châu Âu

TĐS 255, TBĐ 18, Ấp Bình Lợi, Xã Khánh Hoà Đông, Huyện Đức Hoà, Tỉnh Long An

phuchongplastic@gmail.com

Các chỉ thị khung trong quản lý rác thải nhựa tại Châu Âu
07/09/2023 - 02:09:06 PM | 2097
Các biện pháp liên quan đến quản lý rác thải nhựa được đưa vào Chỉ thị khung về Rác thải được sửa đổi gần đây và Chỉ thị về Bao bì và Rác thải bao bì.

Để đạt được mục tiêu tái chế 65% rác thải đô thị và 55% rác thải bao bì nhựa vào năm 2030, EU đã tăng cường thu gom rác thải nhựa ngay từ năm 2020.

Tuy nhiên, trong khi các quốc gia thành viên cần cải thiện hệ thống thu gom của mình, các mục tiêu có thể đạt được mà không nhất thiết phải cải thiện việc ngăn ngừa rác thải. Các điều khoản ngăn ngừa rác thải trong Chỉ thị về Bao bì sửa đổi, được xây dựng theo hướng "khuyến khích” tái sử dụng bao bì, về bản chất khá mềm mại. Do đó, việc áp dụng và thực thi đầy đủ Luật Rác thải hiện hành sẽ không ngăn được tình trạng xả rác và rò rỉ nhựa ra môi trường.

 

Ảnh minh hoạ. ITN

Ngoài các chỉ thị khung, nhiều biện pháp khác dành riêng cho từng chất hoặc sản phẩm cụ thể liên quan đến ô nhiễm vi nhựa ở các giai đoạn khác nhau của vòng đời sản phẩm đã được triển khai, bao gồm:

 

Chỉ thị khung về rác thải

 

Chỉ thị Khung về rác thải sửa đổi được Hội đồng châu Âu thông qua ngày 22/5/2018 yêu cầu rác thải phải được quản lý để không gây nguy hại cho sức khỏe con người và rủi ro đối với môi trường nước, không khí, đất, thực vật hay sinh vật. Chỉ thị bao gồm các mục tiêu rộng về phòng ngừa và quản lý rác thải vớinguyên tắc "người gây ô nhiễm trả tiền”, "trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”.

 

Chị thị yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng kế hoạch quản lý rác thải và chương trình ngăn ngừa rác thải đồng thời phối hợp các kế hoạch và biện pháp khác nhau này với các kế hoạch và biện pháp khác mà họ được yêu cầu thực hiện theo luật quốc tế và luật của EU. Chỉ thị sửa đổi đặt mục tiêu tăng cường tái chế rác thải gia đình lên mức tối thiểu 50% trọng lượng, bao gồm ít nhất những vật liệu phế thải như giấy, kim loại, nhựa và nhựa thủy tinh.

 

Chỉ thị về nhựa sử dụng một lần và ngư cụ

 

Tháng 5/2018, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một đề xuất lập pháp nhằm tìm cách giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Đạo luật cuối cùng đã được ký vào ngày 5/6/2019. Các quốc gia thành viên có 2 năm (tức là đến ngày 3/7/2021) để chuyển chỉ thị mới thành luật quốc gia.

 

Tương tự như cách tiếp cận tại Chỉ thị về túi nhựa đã được triển khai thành công, các biện pháp trong Chỉ thị về nhựa sử dụng một lần và ngư cụ bao gồm:

 

• Giảm tiêu dùng: giảm tiêu dùng đáng kể việc sử dụng hộp đựng thức ăn và cốc đựng đồ uống;

• Hạn chế đưa ra thị trường: cấm đưa ra thị trường sản phẩm nhựa sử dụng một lần như tăm bông; nĩa, dao thìa, đũa; đĩa; ống hút; dụng cụ khuấy nước; que cắm bóng bay; hộp đựng thực phẩm, hộp/cốc đượng đồ uống và các sản phẩm làm từ nhựa phân hủy quang hóa;

• Yêu cầu về sản phẩm: các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, cụ thể là hộp/ chai đựng đồ uống, phải có nắp đậy làm bằng nhựa và chỉ được đưa ra thị trường nếu nắp vẫn được đậy trên hộp/chai trong giai đoạn sử dụng dự kiến của sản phẩm;

• Yêu cầu ghi nhãn: mỗi sản phẩm nhựa sử dụng một lần (băng vệ sinh; khăn ướt; thuốc lá đầu lọc, cốc đựng đồ ăn) được đưa ra thị trường phải có nhãn dễ thấy, rõ ràng và không thể tẩy xóa trên bao bì hoặc trên chính sản phẩm để thông báo cho người tiêu dùng: các phương án quản lý chất thải thích hợp đối với sản phẩm hoặc các biện pháp xử lý chất thải cần tránh đối với sản phẩm, phù hợp với hệ thống phân cấp chất thải; và sự hiện diện của nhựa trong sản phẩm và hậu quả là tác động tiêu cực của việc thải bỏ hoặc các phương tiện thải bỏ sản phẩm không phù hợp khác đối với môi trường;

• Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: đối với nhựa sử dụng một lần, các nhà sản xuất hộp đựng thực phẩm; bao bì và giấy gói thực phẩm; hộp/cốc đựng đồ uống và túi nhựa nhẹ bằng nhựa sử dụng một lần phải trang trải các chi phí nâng cao nhận thức; chi phí thu gom chất thải đối với các sản phẩm được loại bỏ trong hệ thống thu gom công cộng; chi phí dọn dẹp rác thải của các sản phẩm trên, chi phí vận chuyển và xử lí sau đó. Đối với ngư cụ, các nhà sản xuất ngư cụ có nhựa phải trang trải chi phí thu gom riêng các ngư cụ chứa nhựa khi được giao đến các thiết bị tiếp nhận tại cảng và chi phí vận chuyển và xử lý tiếp theo cũng như chi phí về nâng cao nhận thức;

• Thu gom riêng: các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thu gom 77% chai nhựa đựng đồ uống sử dụng một lần vào năm 2025 và 90% chai nhựa đựng đồ uống sử dụng một lần vào năm 2029;

• Các biện pháp nâng cao nhận thức: yêu cầu các quốc gia thành viên nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về các hệ thống tái sử dụng sẵn có và các lựa chọn quản lý chất thải cũng như về những tác động tiêu cực của việc thải bỏ không phù hợp.

 

Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo đó, đối với nhựa sử dụng một lần, các nhà sản xuất hộp đựng thực phẩm; bao gói và giấy gói thực phẩm; hộp/cốc đựng đồ uống và túi nhựa nhẹ bằng nhựa sử dụng một lần phải trang trải các chi phí nâng cao nhận thức; chi phí thu gom chất thải đối với các sản phẩm được loại bỏ trong hệ thống thu gom công cộng; chi phí dọn dẹp rác thải của các sản phẩm trên, chi phí vận chuyển và xử lý sau đó. Đối với ngư cụ, các nhà sản xuất ngư cụ có nhựa phải trang trải chi phí thu gom riêng các ngư cụ chứa nhựa khi được giao đến các cơ sở tiếp nhận tại cảng và chi phí vận chuyển và xử lý tiếp theo cũng như chi phí về nâng cao nhận thức.

 

Chỉ thị đặt mục tiêu thu gom 77% chai nhựa đựng đồ uống sử dụng một lần vào năm 2025 và 90% chai nhựa đựng đồ uống sử dụng một lần vào năm 2029.

 

Quy định về hóa chất và vi nhựa

 

Quy định về đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế sử dụng các loại hóa chất (REACH) của Châu Âu được thông qua vào năm 2006 quy định việc sản xuất và sử dụng hóa chất với mục đích chính là đảm bảo mức độ bảo vệ cao đối với sức khỏe con người và môi trường. REACH cũng được xây dựng để thúc đẩy các giải pháp thay thế cho việc thử nghiệm trên động vật cũng như việc lưu hành tự do hóa chất trong thị trường EU, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo.

 

Theo REACH, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và người sử dụng hạ nguồn phải đăng ký hóa chất của họ và chịu trách nhiệm về việc sử dụng chúng an toàn. Các chất đã chọn được đánh giá và các hạn chế có thể được áp dụng để giải quyết những rủi ro không được chấp nhận. Về vi nhựa, REACH đề cập đến các monome và phụ gia nhựa. Tuy nhiên, các chất polyme như vậy được miễn đăng ký và đánh giá trừ khi hàm lượng của monome (không phản ứng) vượt quá giới hạn nhất định hoặc chứa một số chất phụ gia cần đăng ký và đánh giá.

Bao bì và rác thải bao bì

 

Ảnh minh hoạ. ITN

 

Chỉ thị về bao bì và rác thải bao bì năm 1994 và được sửa đổi vào năm 2018. Chỉ thị đưa ra các biện pháp nhằm mục đích ngăn chặn việc phát sinh chất thải bao bì, tái sử dụng, tái chế và các hình thức thu hồi bao bì khác và do đó giảm xử lý cuối cùng để góp phần chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn. Các biện pháp tái sử dụng có thể bao gồm: sử dụng các chương trình đặt cọc hoàn trả; thiết lập các mục tiêu định tính hoặc định lượng; sử dụng các biện pháp khuyến khích kinh tế; thiết lập tỷ lệ phần trăm bao bì có thể tái sử dụng được đưa ra thị trường hằng năm cho mỗi dòng bao bì. Chỉ thị đặt mục tiêu đến năm 2030, tái chế 55% rác thải bao bì là nhựa, cấm chôn lấp rác thải được thu gom riêng và đưa ra nghĩa vụ về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và các yêu cầu tối thiểu đối với các chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

 

Bãi chôn lấp

 

Chất thải chôn lấp phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt của Chỉ thị về Chôn lấp chất thải nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực của bãi chôn lấp đối với nước ngầm, nước mặt và sức khỏe con người. Chỉ thị xác định các bãi chôn lấp cho (1) rác thải nguy hại, (2) rác thải không nguy hại và (3) rác thải trơ. Theo Chỉ thị, không có giới hạn nào đối với lượng chất thải nhựa có thể được chôn lấp mặc dù một số quốc gia thành viên đã đưa ra các giới hạn riêng của họ. Việc bảo vệ đất, nước ven biển và nước ngọt gần đó cũng phải được tính đến khi quyết định vị trí và thực hiện/thiết kế bãi chôn lấp. Các quốc gia thành viên được yêu cầu giảm đáng kể việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp và đảm bảo rằng, kể từ năm 2030, rác thải thích hợp cho tái chế, đặc biệt là rác thải đô thị, sẽ không bị chôn lấp. Ngoài ra, các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng đến năm 2035, không quá 10% rác thải đô thị được xử lý bằng cách chôn lấp.

(Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam)